GIÁ TỐI ĐA VÉ HÀNH KHÁCH HÀNG KHÔNG ĐÚNG HAY KHÔNG?
GIÁ TỐI ĐA VÉ HÀNH KHÁCH HÀNG KHÔNG ĐÚNG HAY KHÔNG? Gần đây, có ý kiến phê phán về cơ chế giá trần (giá tối đa) của ngành Hàng Không Việt Nam như một cơ chế “chẳng giống ai” trên Thế giới. Xét về mặt khách quan theo yêu cầu của cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước thì quan điểm trên có hợp lý không? Tôi là cán bộ hưu trí nhưng xin luận bàn: 1. Mục tiêu của việc định giá trần là gì? Khi đã nói đến giá trần thì phải hiểu đây là sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của thị trường trên cơ sở mô hình Cung – Cầu từ đó mới quy định người bán hàng không được bán hàng cao hơn mức giá tối đa, sự can thiệp này theo tín hiệu thị trường chứ không phải cứng nhắc (ổn định bất chấp sự biến động của thị trường) để điều tiết, kiểm soát điều chỉnh lượng cung cầu của thị trường và điều hành nền kinh tế theo hướng nhất định. Bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, đặc biệt khi Cầu > Cung, mức giá cân bằng Cung - Cầu bị đẩy lên quá cao bất hợp lý (vào mùa du lịch, những ngày Lễ, Tết) thậm chí gây sốt giá (Nhưng mức giá tối đa ấy đảm bảo người bán vẫn bán được hàng hóa, đến cạnh tranh được ở mức giá dưới giá trần, bù đắp được chi phí và có lợi nhuận). Đây là một mục tiêu có ý nghĩa xã hội rất to lớn, giúp cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội – nhất là tầng lớp có thu nhập thấp vẫn có thể tiếp cận được các hàng hóa, dịch vụ cơ bản. 2. Việt Nam quy định giá trần có vi phạm cơ chế giá thị trường không? Câu trả lời của tôi là: Không. Sở dĩ như vậy là vì: Khi ấn định cơ chế quản lý giá chúng ta cần phải căn cứ vào yêu cầu khách quan của cơ chế kinh tế mà chúng ta đang vận hành, chứ không phải bằng ý muốn chủ quan, áp đặt bất chấp các quy luật khách quan của ai đó! Tức là chúng ta phải xem xét về hình thái thị trường Hàng Không của Việt Nam để có giải pháp ứng xử về giá phù hợp. Đó là cơ sở khoa học của can thiệp về giá để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các thành tố tham gia thị trường (người mua, người bán và Nhà nước). Mặc dù hiện nay, thị trường Hàng Không đã có một số hãng Hàng Không tham gia và có cạnh tranh ở mức độ nhất định nhưng bản chất của thị trường này không phải là “thị trường cạnh tranh hoàn hảo” mà là thị trường “Cạnh tranh không hoàn hảo”, mang đặc điểm của “Thị trường thiểu số độc quyền” (tức vừa có cạnh tranh, vừa có độc quyền). Trong thị trường ấy, có những hãng có vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm thị phần lớn) nếu hoàn toàn buông cho “bàn tay vô hình” điều tiết thì họ với sức mạnh thị trường sẵn có sẽ là người toàn quyền quyết định giá bán với mức giá độc quyền (chi phí + lợi nhuận độc quyền) mà toàn xã hội phải tuân theo. Đã như vậy thì không thể có mức giá hợp lý theo mong muốn hài hòa lợi ích được, nên Nhà nước phải can thiệp và tôi xin khẳng định rằng: Bất kỳ quốc gia nào trên Thế giới đang tồn tại hình thái thị trường như trên thì Nhà nước đều có những biện pháp can thiệp thích hợp (tất nhiên tùy điều kiện của mỗi nước mà có biện pháp can thiệp khác nhau hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp); Chỉ đến khi chúng đã có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì cần gỡ bỏ biện pháp quản lý trực tiếp về giá nói trên. 3. “Bay” theo mức giá tối đa hiện nay có phải càng bay càng đốt tiền không? “Đốt tiền” là vi phạm pháp luật. Chính phủ Việt Nam không để ai “đốt tiền” cả. Giá trần hiện nay được Bộ Giao thông Vận tải (trước đây) quy định từ năm 2024 cho các nhóm đường bay: đường bay có khoảng cách dưới 500km với đường bay phát triển kinh tế - xã hội, các đường bay khác còn lại có khoảng cách từ 500km đến 1280km trở lên… Tôi được biết mức giá tối đa từ tính đúng, tính đủ chi phí và có tỷ lệ dự phòng nhất định về biến động của giá nhiên liệu, tỷ giá… Thực tế hiện mức giá này đang bù được chi phí và có lãi (có thể lãi thấp thôi). Vì vậy nếu nói “đốt tiền” tôi cũng chẳng hiểu, nếu hiểu đơn giản là “Lỗ” và lỗ do giá trần một cách khách quan thì ngành Hàng Không hãy đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh giá trần lên có ai cấm đâu? Bộ để “đốt tiền” thì xót thật. Nguyễn Tiến Thỏa.