Thị trường xăng dầu thời gian qua tồn tại nhiều bất cập, thậm chí lỗ hổng trong quản lý, vận hành, khiến giá trong nước lệch pha so với thế giới. Bộ Công thương đang lấy ý kiến để xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế các nghị định đã ban hành. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Nhiều lỗ hổng trong vận hành
- Theo ông, những biến động thời gian qua của thị trường xăng dầu cho thấy điều gì, cả ở góc độ quản lý lẫn kinh doanh?
Tất cả những tích cực, những khiếm khuyết, bất ổn, những biến động bất thường của thị trường xăng dầu năm 2022, 2023 đã được bộc lộ, phơi bày khá rõ nét.
Có những nguyên nhân khách quan, những rủi ro khó lường của thị trường thế giới. Nhưng tôi cho rằng, các nguyên nhân chủ quan vẫn là những tác nhân chính yếu tạo ra những “lỗ hổng” trong vận hành thị trường xăng dầu.
- Vậy những “lỗ hổng” ông muốn nói đến là gì?
Cách đây 17 năm, từ khi có Nghị định 55/2007 cho đến nay, chúng ta đã kiên trì định hướng “áp dụng giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, do thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc thương nhân sản xuất, chế biến xăng dầu quyết định”.
Tuy nhiên, do nội hàm và ranh giới giữa thị trường và Nhà nước trong kinh doanh xăng dầu chưa rõ, chưa chuẩn nên từ đó đến nay, vai trò điều tiết luôn bị lu mờ trước vai trò can thiệp khá cứng, trực tiếp của Nhà nước.
Tức là, doanh nghiệp không được tự chủ tuân theo các quy luật của thị trường. Thị trường cơ bản không có cạnh tranh đúng nghĩa; mọi hoạt động từ mua vào, bán ra, giá cả, cung ứng đều phải tuân thủ theo “hiệu lệnh” của Nhà nước. Những điều trên tạo ra những “nút thắt”.
Những “nút thắt” khiến giá xăng dầu trong nước lệch pha
- Những “nút thắt” cụ thể là gì, và ông có thể nói rõ hệ quả từ những “nút thắt” đó?
Trước hết là những quy định chưa chặt chẽ về điều kiện được Bộ Công thương cấp giấp xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, không coi trọng năng lực thực sự của các doanh nghiệp.
Quy định này không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu dự trữ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp và thực hiện các điều kiện cấp phép.
“Nút thắt” thứ hai nằm ở việc quy định các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn của nhau. Điều này đã khiến tổng nguồn được tạo ra không chuẩn xác, tạo ra tầng nấc mua qua bán lại, hưởng chênh lệch giá, chiết khấu.
Đáng chú ý là các quy định về điều hành giá, bình ổn giá còn “kênh” với Luật Giá.
Theo Luật Giá, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá (BOG) do doanh nghiệp quyết định giá, Nhà nước chỉ can thiệp có thời hạn khi công bố áp dụng các biện pháp BOG trong điều kiện có biến động bất thường.
Nhưng tại các nghị định và hướng dẫn về cơ chế điều hành giá xăng dầu lại quy định Nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ để điều hành giá xăng dầu. Nhà nước chưa công bố giá này thì doanh nghiệp chưa được phép thông báo giá bán.
Như vậy, các yếu tố hình thành giá, cấu trúc nên giá bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp chỉ có mỗi quyền được quyết định giá mua theo thỏa thuận trên thị trường thế giới. Toàn bộ khoản mục còn lại để hình thành giá bán lẻ trong nước là nằm ngoài tầm quyết định của doanh nghiệp.
Giá cơ sở để điều hành của Nhà nước trở thành giá tối đa “cứng”, buộc các doanh nghiệp thực hiện và luôn được ban hành để áp dụng cả khi thị trường biến động bất thường và không biến động bất thường…
- Phải chăng hệ quả là giá thị trường trong nước luôn lệch pha với giá thị trường thế giới, thưa ông?
Đúng vậy. Bên cạnh các quy định trên thì quy định về trách nhiệm quản lý điều hành thị trường, giá cả của các cơ quan quản lý thiếu tính thống nhất, đồng bộ, “cắt khúc” không hợp lý.
Một nguyên nhân khác là hoạt động điều tiết thị trường của Nhà nước chưa hiệu quả, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận: “Liên Bộ tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường”.
Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp trong toàn hệ thống lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí thua lỗ, càng nhập về càng lỗ, càng bán ra càng lỗ.
Nguyên nhân lớn cuối cùng là công tác quản lý kinh doanh, điều hành thị trường, giá và quỹ BOG của các ngành được giao quản lý thiếu gắn kết chặt chẽ, không có đầu mối tập trung thống nhất, chưa rõ trách nhiệm.
Hiện nay có những loại chi phí thực chất phải do doanh nghiệp quyết định nhưng lại do Nhà nước ấn định như: Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về, chi phí kinh doanh, tỷ giá, lợi nhuận định mức.
Không những thế, Nhà nước còn can thiệp cụ thể bằng các quy định phi thị trường khống chế điều chỉnh giá theo chu kỳ, theo tần suất điều chỉnh giá, tỷ lệ % được điều chỉnh giá, mặc cho giá thị trường thế giới biến động.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
6 nhóm vấn đề cần sửa ở nghị định mới
- Bộ Công thương đang xin ý kiến để xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế các nghị định đã ban hành. Theo ông, nghị định mới cần sửa ra sao để lập lại trật tự thị trường?
Theo tôi, cần tập trung vào những nội dung trọng tâm. Đó là những quy định về điều kiện kinh doanh và tổ chức hệ thống bình ổn giá, về trách nhiệm quản lý điều hành thị trường, giá cả.
Cần xác định quan điểm bao trùm xuyên suốt và coi là “linh hồn” của nghị định mới, đó chính là kiên trì vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước. Nội dung cần được sửa đổi theo 6 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu phải quy định khác với quy định hiện hành theo hướng: Phải căn cứ vào năng lực thực sự của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng trưởng nóng về số lượng nhưng yếu về chất. Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong cấp phép; hình thành các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, năng lực quản trị và kinh doanh tốt.
Cần bổ sung những quy định về các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng theo các tiêu chí cụ thể về vốn sở hữu, kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng; bãi bỏ toàn bộ các quy định hiện hành 17 năm nay không thay đổi về cấp phép thuê kho, bể chứa, hệ thống phân phối cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận tải...
Thứ hai, tổ chức lại hệ thống cung ứng xăng dầu theo hệ thống “chiều dọc” là chủ yếu, nhằm tạo ra một hệ thống kinh doanh thống nhất, nối dài, liên kết chặt chẽ và xuyên suốt.
Xóa bỏ việc hình thành thị trường ngầm và lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu, nhất là ở những thời điểm cung cầu căng thẳng. Đảm bảo cạnh tranh theo chiều dọc và quản lý được nguồn cung thực cho thị trường.
Cùng đó, cần bãi bỏ các quy định hiện hành việc tổ chức hệ thống cung ứng xăng dầu theo “chiều ngang” ở những phân khúc cơ bản, phân khúc tạo nguồn xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối. Cấm tuyệt đối các công ty con bán ngược lại xăng dầu cho công ty mẹ, công ty cuối nguồn bán vòng lại cho công ty đầu nguồn…
Thứ ba, phải dứt khoát áp dụng nguyên tắc giá thị trường đối với kinh doanh xăng dầu thông qua việc đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá.
Bãi bỏ toàn bộ các quy định hiện hành về việc Nhà nước công bố các chỉ tiêu tính giá để doanh nghiệp thực hiện. Thay vào đó, Nhà nước điều tiết giá chủ yếu bằng giải pháp điều hòa cung cầu, thuế, phí và các biện pháp tài chính, tiền tệ khác…
Thứ tư, đổi mới các quy định về Quỹ BOG xăng dầu hiện hành, bảo đảm tuân thủ đúng Luật Giá. Khi thị trường biến động ở mức cụ thể bao nhiêu thì Nhà nước phải công bố công khai áp dụng các biện pháp BOG, thời hạn và phạm vi BOG…
Thứ năm, thiết kế lại toàn bộ các quy định về thẩm quyền, về trách nhiệm điều hành, quản lý thị trường kinh doanh xăng dầu, giá cả, bình ổn giá và xử lý các vi phạm theo hướng tập trung thống nhất vào Bộ Công thương.
Thứ sáu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc tuân thủ các quy định của luật pháp, các quyền tự chủ của doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu…
- Ông có nhắc đến việc thiết kế lại toàn bộ các quy định về thẩm quyền, và trách nhiệm điều hành, quản lý thị trường xăng dầu. Thực tế hiện nay hàng nghìn tỷ đồng quỹ bình ổn xăng dầu và thuế bảo vệ môi trường đang đứng trước nguy cơ khó được thu hồi. Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến hệ luỵ này, và trách nhiệm của các bên liên quan ra sao?
Vi phạm về quản lý, điều hành từ Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ. Điều này một phần do việc quy định về trách nhiệm quản lý quỹ bình ổn giá chưa rõ ràng khiến việc phối hợp không chặt chẽ.
Hiện nay, để thu hồi được số tiền trên, cần căn cứ vào nghị định mới nhất là Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu. Tức là, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần phối hợp với ngân hàng Nhà nước để phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp đang nợ để thù hồi các khoản nợ.
Trong trường hợp các doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán, thì cần kiểm kê các khoản nợ mà các nơi khác đang nợ doanh nghiệp này, để tiến hành đòi nợ.
Còn về xử lý trách nhiệm, Thanh tra chính phủ đã đề nghị hai bộ này kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, từ đó có hướng xử lý phù hợp. Tôi nghĩ Bộ Công thương cũng đã tiến hành xử lý một số cán bộ liên quan đến cấp phép, điều hành giá… Bộ Tài chính cũng có những động thái kiểm điểm.
Tuy nhiên, qua sự việc tôi cho rằng hai bộ này cần nghiêm tức rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kể cả việc bố trí cán bộ thay thế để đạt hiệu quả cao nhất.
Cảm ơn ông!
Hồng Hạnh (thực hiện)