Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân hơn 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

29/03/2023
0

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lần đầu tiên trong giai đoạn Quý I từ trước đến nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (60.241 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 doanh nghiệp).

Theo báo cáo của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong Quý I/2023 đạt 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (45.494 doanh nghiệp). Cụ thể:

Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2023 là 33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Số vốn đăng ký thành lập trong Quý I/2023 đạt 310.331 tỷ đồng, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2023 là 23.041 doanh nghiệp, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, trong Quý I/2023 có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù có những điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê; hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại trở lại thị trường lao động làm việc… Cùng với việc miễn giảm thuế VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô-tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khó khăn và thách thức lại nhiều hơn. Đó là chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sản xuất, khó khăn trong việc xuất khẩu ra thị trường thế giới. Giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí Logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5 – 10%.

Một khó khăn nữa là việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp. Đây là một vấn đề đáng lưu ý khi số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong Quý I/2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong Quý I kể từ năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 310.331 tỷ đồng cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay.

Các lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ giảm vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cao nhất là: Vận tải kho bãi (giảm 80,4%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 72,7%); Thông tin và truyền thông (giảm 68,9%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 66,6%); Kinh doanh bất động sản (giảm 60,5%)...

Để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, theo Tổng cục Thống kê, về phía Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tiếp tục kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp.

Có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới. Đồng thời, duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng với các nhóm hang hóa, dịch vụ… hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như trong thời gian dịch bệnh giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động…

Với doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng, khối này cần đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường.

Bên cạnh đó, chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị, chủ động sắp xếp tinh gọn hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm.

Cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, tăng cường mở thị phần để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn; tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

(Theo MarketTimes)

Viết bình luận của bạn:
hotline 024 36410056