Ngay từ đầu năm ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra. Trong đó, giá cả thị trường trong nước cơ bản được kiểm soát trong 6 tháng đầu năm.
Sáng 13/7, tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 do Bộ Tài chính tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và sự tham dự của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Tại điểm cầu 62 tỉnh có đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan tài chính địa phương.
Thu NSNN đạt 54% dự toán
Trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những vấn đề hậu Covid-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại. Thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro, nguy cơ bất ổn gia tăng. Ở trong nước đã phát sinh các yếu tố tác động không thuận lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chi phí vốn tăng cao, tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến...
Ngay từ đầu năm ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra; điều hành chính sách tài khóa chủ động, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết liệt thu, chi ngân sách kịp thời; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; giá cả, thị trường cơ bản được kiểm soát; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giữ ổn định kinh tế Việt Nam, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.
Về thu NSNN: Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng (miễn giảm 28,3 nghìn tỷ đồng, gia hạn 42 nghìn tỷ đồng).
Về chi NSNN: Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho nhân dân. Tổng chi NSNN ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65,2 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ đạt 27,75%).
Cân đối NSTW và NSĐP các cấp được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm, góp phần đảm bảo cân đối NSNN cho trả nợ gốc và định hướng lãi suất thị trường.
Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định
Về công tác quản lý giá cả, thị trường: Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành Luật giá (sửa đổi). Đồng thời, phối hợp chặc chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Phối hợp với các Bộ, ngành điều hành giá bán lẻ xăng dầu, giá bán lẻ điện... Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng đầu năm đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm. Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bình quân 6 tháng, CPI tăng 3,29% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 4,74%.
Đối với thị trường chứng khoán: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường chứng khoán có xu hướng hồi phục. Tính đến hết ngày 30/6/2023, VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hiện có 451 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.
Đối với thị trường bảo hiểm: Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt xấp xỉ 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản tăng 12,2%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 14,76%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 25,1%. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 về bảo hiểm vi mô; xem xét, ban hành các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng để xem xét ban hành, …
Bộ Tài chính dự báo trong thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến khu vực và thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương,…
(Theo MarketTimes)