Sửa đổi Luật Giá: VVA chỉ ra những bất hợp lý trong quy định về hoạt động thẩm định giá

28/03/2023
0

Ngày 5/7/2022, Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) có Công văn số 84/2022/CV- HTĐGVN gửi Bộ Tài chính góp ý kiến các chính sách tại Dự thảo Luật Giá sửa đổi. MarketTimes xin lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những ý kiến góp ý của VVA.

Theo VVA, ngày 20/6/2012, với 476 đại biểu Quốc hội khóa XIII tham gia kỳ họp thứ 3 đã bỏ phiếu thông qua Luật Giá với 100% đại biểu tán thành.

Luật Giá hiện hành quy định rõ ràng, đầy đủ về hoạt động thẩm định giá cả hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá Nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sửa đổi phải phù hợp với thực tiễn và thông lệ của tổ chức quốc tế về thẩm định giá

Dự thảo Luật Giá sửa đổi lần này đã kế thừa 2 khoản quy định về tổ chức nghề nghiệp của Luật Giá hiện hành nhưng không hiểu tại sao lại xóa bỏ quy định “Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về thẩm định giá” trong khi thực tế những năm qua quy định này không chỉ phù hợp với thực tế Việt Nam (với nhu cầu của xã hội và Điều lệ hoạt động của tổ chức nghề nghiệp) mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế về thẩm định giá mà Hội Thẩm định giá Việt Nam đang thực hiện đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Theo VVA, việc xóa bỏ quy định này là bất hợp lý nên cần giữ nguyên như Luật Giá hiện hành và bổ sung về cập nhật kiến thức thẩm định giá thành nội dung “Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về thẩm định giá; tổ chức cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên về giá và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật”.

Đối với “đào tạo, cập nhật kiến thức về thẩm định giá”, theo VVA là cần thống nhất hai quy định của Dự thảo tại Khoản 13, Điều 9, Khoản 2, Điều 47 quy định về “đào tạo, cập nhật kiến thức về thẩm định giá và tại điểm C, Khoản 2, Điều 51 quy định về “bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá”.

Trong dự thảo có nhiều nội dung hiện được quy định ở các văn bản dưới Luật đã nâng lên thành Luật thì những nội dung quy định dưới Luật về Hội cũng cần được xem xét xử lý tương tự nhằm nâng cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong việc tham gia giúp quản lý Nhà nước quản lý hoạt động thẩm định giá có hiệu quả hơn như hợp tác quốc tế về thẩm định giá, kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá…

Mặt khác Hội Thẩm định giá Việt Nam kiến nghị việc tổ chức thi, cấp thẻ thẩm định viên về giá và chứng chỉ hành nghề cần giao cho tổ chức nghề nghiệp thực hiện; Bộ Tài chính là cơ quan quản lý không cần thiết phải làm việc này mà tập trung vào việc xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, thực hiện kiểm tra, kiểm soát.

Đề xuất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và thông lệ của tổ chức quốc tế về thẩm định giá mà Việt Nam là thành viên.

Đề nghị bỏ quy định về vốn điều lệ

Liên quan đến quy định thông đồng về giá, thẩm định giá, góp ý của Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng; “Việc thông đồng là phải có đối tác chứ không thể tự mình thông đồng với mình. Vì thế Khoản 18, Điều 4 cần viết hoàn chỉnh lại là “… việc các tổ chức, cá nhân có hành vi thỏa thuận, câu kết với nhau làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc kết quả thẩm định giá để trục lợi”.

Điểm b, Khoản 3, Điều 7 cũng hoàn chỉnh lại là “Thông đồng với khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá để trục lợi”.

Đề nghị bỏ điểm d, Khoản 3, Điều 7: “Tiết lộ thông tin về hồ sơ khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá đồng ý hoặc cho phép” nhằm giúp minh bạch thị trường.

Đề nghị bổ sung vào Điều 64 về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa kết quả thẩm định giá có khác biệt lớn của các doanh nghiệp thẩm định giá cùng tham gia thẩm định giá một tài sản có thông số kỹ thuật và điều kiện tương đồng.

Đề nghị bỏ quy định về vốn điều lệ bởi quy mô doanh nghiệp không quyết định chất lượng thẩm định giá.

Việc Dự thảo quy định khống chế người tham dự kỳ sát hạch cấp thẻ thẩm định viên về giá (tại điểm c, Khoản 2, Điều 48) theo điều kiện “Phải làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá” là tước đi cơ hội của những đối tượng khác muốn thi lấy Thẻ.

Điều này là bất hợp lý, VVA đề nghị cần mở rộng đối tượng dự thi cho tất cả những ai có nhu cầu, còn cho phép hành nghề thì mới nên quy định bắt buộc người có Thẻ phải làm việc ở doanh nghiệp thẩm định giá.

Đối với quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 49 về các trường hợp không được đăng ký hành nghề: Chúng tôi nghĩ đây là quy định thừa, không cần thiết, nếu Dự thảo vẫn giữ: Quy định không cho phép những đối tượng này được thi Thẻ thẩm định viên về giá do họ không làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá.

Đề nghị bổ sung: Người cho thuê, cho mượn Thẻ thẩm định viên về giá không được đăng ký hành nghề thẩm định giá.

Đối với thẩm định viên về giá, không nên bỏ các quy định Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá như quy định tại Luật Giá hiện hành, cần phải có quy định này để đảm bảo chất lượng hoạt động thẩm định giá. Theo đó cần sửa lại và làm rõ điểm d, Khoản 4, Điều 7: “Ký Chứng thư thẩm định giá và báo cáo kết quả thẩm định giá không đúng lĩnh vực ngành nghề”? Lĩnh vực ngành nghề là như thế nào?.

Đối với Khoản 1, Điều 56: Nên sửa lại theo hướng mở là “Có Thẻ thẩm định viên về giá về thẩm định giá tài sản và/hoặc thẩm định giá doanh nghiệp tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp; Phải đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp”.

Để nâng cao trách nhiệm về chất lượng thẩm định giá thì phải nâng cao vai trò của thẩm định viên về giá. Vì vậy điểm b, Khoản 2, Điều 51 phải xác định nghĩa vụ của thẩm định viên “Chịu trách nhiệm chính về kết quả thẩm định giá được ban hành tại Chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá …”

Dự thảo quy định cấm làm việc trong cùng một thời gian cho từ 2 doanh nghiệp thẩm định giá trở lên cần được xem xét lại để tránh mâu thuẫn với Điều 19 – Bộ Luật Lao động.

Theo VVA, cần giữ như quy định hiện hành là “Cấm hành nghề cho từ 2 doanh nghiệp trở lên” là hợp lý hơn hoặc cũng có thể bỏ quy định này vì các quy định kiểm soát thẩm định viên hành nghề đã khá chặt chẽ.

Đối với các thành viên Hội đồng thẩm định giá Nhà nước có chứng chỉ Thẩm định giá Việt Nam: Đây là quy định mang tính độc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, không bình đẳng đối với các thẩm định viên về giá hành nghề trong các doanh nghiệp thẩm định giá về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về loại Thẻ… Do đó về thực tế đã tạo nên một đội ngũ làm thẩm định giá với chất lượng không cao.

Vì vậy VVA kiến nghị: Phải đào tạo một đội ngũ này, cập nhật kiến thức cho đội ngũ này như thẩm định viên về giá trong các doanh nghiệp thẩm định giá theo hình thức xã hội hóa, xóa bỏ độc quyền trong đào tạo.

hotline 024 36410056