Sửa đổi Luật Giá: Tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá

28/03/2023
0

Theo Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA), nguyên tắc điều tiết, quản lý giá của Nhà nước trong dự thảo Luật Giá sửa đổi cần được xem xét lại.

Theo VVA, Điều 5 của dự thảo quy định về "Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước" có đưa ra 3 nguyên tắc:

1. Nhà nước thực hiện quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường gắn với công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Luật này thực hiện định giá hàng hóa, dịch vụ theo các nguyên tắc, phương pháp phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước; có tính đến chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.

3. Góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công, có chính sách về giá nhằm hỗ trợ khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, VVA cho rằng với nguyên tắc 1, đề nghị giữ như Luật Giá hiện hành “Nhà nước thực hiện quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

Quy định như dự thảo Luật Giá sửa đổi, Nhà nước, tiếp đến cơ quan Nhà nước là thừa và không cần thiết phải quy định điều tiết giá gắn với phân tích, dự báo giá thị trường.

Với nguyên tắc 2 và 3 của dự thảo, đó không phải là nguyên tắc mà là mục tiêu của nguyên tắc điều tiết nên VVA đề nghị cân nhắc 2 nguyên tắc sau:

Thứ nhất; Xử lý hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Thứ hai; Công khai, minh bạch các hoạt động điều tiết giá của Nhà nước và hoạt động về giá của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến quy đình về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh, VVA đề nghị nghiên cứu về cơ cấu, vị trí của nội dung này như đã kiến nghị tại phần “Bố cục” của Dự thảo Luật.

Theo đó, VVA đề nghị giữ, kế thừa và sửa đổi, bổ sung các quyền sau đây của Luật Giá hiện hành:

Thứ nhất là đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá, hiệp thương giá và cạnh tranh về giá dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai là điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và cung cầu trên thị trường.

Thứ ba là hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu, đồng thời phải niêm yết…

Thứ tư là đề nghị bỏ đoạn “hoặc Nhà nước công bố giá tham chiếu" tại mục b, Khoản 1, Điều 12 Dự thảo.

Ngoài ra, VVA còn đề nghị bổ sung thêm: “Được quyền thuê tư vấn thẩm định giá lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ để định giá, điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định”.

Về nghĩa vụ, theo VVA, việc quy định niêm yết giá và phải bán đúng giá niêm yết cần được xem xét lại. Nếu niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và bán đúng giá niêm yết là đúng.

Tuy nhiên đối với hàng hóa dịch vụ Nhà nước không định giá mà thuộc quyền định giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thì quy định này là không hợp lý, không phù hợp với tập quán thương mại, thậm chí ngăn cản cơ chế thỏa thuận về giá có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Với những loại hàng hóa, dịch vụ này chỉ cần quy định như Luật Giá hiện hành: Không bán cao hơn giá niêm yết là được (họ có thể bán bằng hoặc thấp hơn giá niêm yết).

hotline 024 36410056