Bộ Tài chính vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến nội dung chuyên đề “Xin ý kiến dự thảo Luật Giá sửa đổi về thẩm định giá”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, Luật Giá được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Sau gần 9 năm thực hiện, đến nay bối cảnh kinh tế - xã hội đã có những thay đổi, hệ thống pháp luật dân sự kinh tế ngày càng được hoàn thiện hơn, cũng đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý giá và thẩm định giá.
Còn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm định giá
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Hồ sơ sửa đổi Luật Giá với 9 nhóm chính sách, trong đó có 3 nhóm chính sách liên quan đến thẩm định giá.
“Đến thời điểm hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về thẩm định giá về cơ bản đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Bộ Tài chính đã ban hành Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam bao gồm 13 tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ thẩm định giá, trong đó có quy định cụ thể về các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá đối với các loại tài sản như: bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình…”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Để hoàn thiện dự thảo, hiện nay Bộ Tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá, đảm bảo phù hợp với điều kiện của Việt Nam và các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế; tăng cường hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá; thực hiện nghiêm, kịp thời việc xử lý thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá làm cơ sở tham chiếu khi thực hiện thẩm định giá.
Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp thẩm định giá được cấp mới tăng nhanh, nhất là năm 2016 tăng 48 doanh nghiệp, năm 2018 tăng 50 doanh nghiệp, năm 2020 tăng 51 doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ khi quy định về cấp mới có hiệu lực theo Nghị định số 12/2021/NĐ-CP kể từ ngày 1/5/2021, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá cấp mới đã giảm đáng kể. 8 tháng còn lại của năm 2021 có 8 doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tính đến hết tháng 6/2022 cả nước có 431 doanh nghiệp được cấp mã Giấy chứng nhận, trong đó chỉ có hơn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện và đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Tính đến hết tháng 6/2022, Bộ Tài chính đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 123 doanh nghiệp; đã tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 68 lượt doanh nghiệp do không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật giá.
“Việc áp dụng quy định mới tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP đã siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, hướng tới nâng cao chất lượng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được đánh giá là còn quá mở dẫn đến số lượng các DN thẩm định giá phát triển nóng vượt quá định hướng phát triển nghề giai đoạn 2013 – 2020”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành công trong công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ thẩm định giá giai đoạn qua, đã phát sinh những tồn tại, như: hiệu quả quản lý chưa như mong muốn; hình thành nhiều doanh nghiệp nhỏ với số lượng thẩm định viên tối thiểu. Ngoài ra, đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ… dẫn đến tình trạng không bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, gây bức xúc trong dư luận và xã hội…
Báo cáo của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang triển khai Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá giai đoạn 2”; phạm vi giai đoạn 2 của Dự án sẽ kết nối với các Bộ/ngành, cũng như triển khai tới tất cả 63 địa phương và khoảng 250 doanh nghiệp thẩm định giá...
Quản lý Nhà nước về thẩm định giá cần chặt chẽ hơn
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, trong thời gian tới, nền kinh tế thị trường nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, các giao dịch kinh tế ngày càng phong phú đa dạng với các yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững, minh bạch và lành mạnh... Điều đó đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với sự phát triển ngành nghề dịch vụ thẩm định giá trong thời gian sắp tới.
Theo đó, nghề thẩm định giá cần phải được tiếp tục củng cố và có bước tiến bộ vượt bậc thì mới có thể đáp ứng được sự phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới với yêu cầu khái quát là các doanh nghiệp cần phải có quy mô, năng lực thẩm định giá lớn hơn; thẩm định viên về giá yêu cầu phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn và chuyên sâu, có tính chuyên nghiệp cao hơn; đồng thời quản lý nhà nước về lĩnh vực này chặt chẽ hơn.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thẩm định giá một các đầy đủ và đồng bộ; nghiên cứu sửa đổi Luật giá về thẩm định giá, cũng như các văn bản hướng dẫn…
Góp ý tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng cần loại bỏ các quy định về vốn điều lệ của doanh nghiệp thẩm định giá;
Tiết lộ thông tin về hồ sơ khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá hoặc cho phép;
Quy định khống chế người tham dự kỳ thi Thẻ thẩm định viên về giá phải là người làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, thay bằng tất cả các đối tượng có nhu cầu thi và có đủ điều kiện dự thi;
Quy định cấm làm việc trong cùng một thời gian cho từ 2 doanh nghiệp thẩm định giá trở lên và thay bằng cấm hành nghề thẩm định giá cho từ 2 doanh nghiệp thẩm định giá trở lên.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa còn đề nghị bổ sung các quy định Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; về người cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn Thẻ thẩm định viên về giá không được đăng ký hành nghề thẩm định giá;
Quy định về thẩm định viên phải chịu trách nhiệm chính về kết quả thẩm định giá được ban hành tại Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá;
Cơ chế giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá khi có khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp thẩm định giá cùng tham gia thẩm định giá một loại tài sản có thông số kỹ thuật và điều kiện tương đồng;
Tất cả các quy định thông đồng về giá, thẩm định giá đều phải bổ sung cụm từ “để trục lợi” (Khoản 3, Điều 4) hoặc thông đồng, cấu kết là phải có đối tác họ “câu kết với nhau” chứ không thể mình câu kết với mình;
Không nên quy định cứng “Có Thẻ thẩm định viên về giá về thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp” mà cần quy định theo hướng mở tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp, tức là “Có Thẻ thẩm định viên về giá về thẩm định giá tài sản và/hoặc thẩm định giá doanh nghiệp;
"Cũng cần làm rõ và bổ sung quy định về Ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá không đúng lĩnh vực ngành nghề...", ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.