Quản lý nhà nước về thẩm định giá

10/04/2023
0

Theo điều 8 Luật Giá quy định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, trong đó quy định một cách khái quát về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính; Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể

Điều 8. Thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương theo quy định của pháp luật.”

Trên cơ sở quy định này, nội dung quản lý nhà nước về thẩm định giá được quy định rõ hơn tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP và về cơ bản, kế thừa nội dung quy định tại Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá với việc giữ nguyên 5 nhóm nhiệm vụ, cụ thể: (1) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam; (2) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; (3) Quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; quản lý và tổ chức thi, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá; quản lý, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; (4) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá; (5) Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về thẩm định giá. Trong 5 nhóm nhiệm vụ trên, nhiệm vụ “quản lý, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá” là một điểm mới về cách thức quản lý, còn về bản chất vẫn là quản lý thống nhất danh sách thẩm định viên về giá và danh sách doanh nghiệp thẩm định giá hành nghề thẩm định giá trong cả nước.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 7 Luật Giá (“3. Thẩm định giá tài sản Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định”; “4. Thu thập, tổng hợp, phân tích và dự báo giá thị trường trong nước và thế giới để xây dựng cơ sở dữ liệu giá phụ vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá”),  Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã bổ sung hai nội dung quản lý nhà nước về thẩm định giá tương ứng, cụ thể: Thẩm định giá các tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; quy định chế độ báo cáo, thu thập, tổng hợp thông tin làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và thẩm định giá, phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá (khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về thẩm định giá nêu trên, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, theo đó: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thẩm định giá và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo thẩm quyền như các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm quy định mẫu, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá thay cho việc Thông báo doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hiện nay.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ phân công và tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước theo quy định về phân cấp quản lý tài sản nhà nước; quy định về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan (khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP). Quy định như vậy nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá đối với Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời cũng tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phân công cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định giá tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Việc phân cấp cụ thể thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có tác động tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này đối với việc quản lý và thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực và vai trò quản lý nhà nước về thẩm định giá.

hotline 024 36410056