Luật Giá (sửa đổi): Quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan trong thực hiện thẩm định giá
Vừa qua Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi). Đáng chú ý, tại phần quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện.
Quy định những hành vi bị cấm đối với Hội đồng thẩm định giá
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đối với quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Đồng thời, bổ sung 02 điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.
Cần quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện thẩm định giá
Góp ý cho Luật Giá (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Cần bổ sung điều, khoản tại Chương III của dự thảo Luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá. Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân các liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, định giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam. Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có nội dung định giá nhưng trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật chưa điều chỉnh vấn đề định giá.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thẩm định giá theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”, Đại biểu Đỗ Văn Yên nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước tại Mục 3, Chương 6 của dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết. Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá, Điều 57 của dự thảo Luật đang quy định: “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn. Tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nhấn mạnh đến quy định về thẻ thẩm định viên về giá như dự thảo Luật còn chung chung, quy định như vậy thì tất cả những người có bằng đại học đều có thể tham dự kì thi và trở thành thẩm định viên về giá là chưa hợp lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị nên quy định cụ thể về bằng đại học một chuyên ngành cụ thể nào đó liên quan đến thẩm định giá sẽ có tính khả thi hơn. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này, hoặc có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để đúng ngành.
Còn Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng nội dung công khai thông tin về giá, thẩm định giá là nội dung rất quan trọng, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật đang quy định về 3 loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu nêu rõ, tuy có ba loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác.
“Với quy định nêu trên thì trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chỉ cần công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu có được coi là công khai. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá bằng hình thức niêm yết giá”, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường góp ý.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng thì đề nghị Ban soạn thảo giữ lại nguyên tắc đã được quy định tại Luật Giá hiện hành. Đó là nguyên tắc bảo mật thông tin. Theo đại biểu đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong hoạt động thẩm định giá. Ngoài ra, liên quan đến việc dự thảo Luật quy định tuân thủ pháp luật, chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, đại biểu cho rằng, quy định chuẩn mực thẩm định giá liệu có phù hợp với các quy định hiện tại hay không? Đại biểu cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành 13 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sử dụng cặp cụm từ “tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam” sẽ hợp lý hơn so với từ “chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.
Về Hội đồng thẩm định giá quy định tại Điều 60, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng dự thảo Luật quy định Hội đồng thẩm định giá có ít nhất 50% thành viên bao gồm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá có một trong các chứng nhận chuyên môn…là chưa đảm bảo điều kiện, năng lực để thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định giá theo quy định. Trong khi trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá lại rất nặng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá, chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình. Vì vậy, các thành viên của Hội đồng thẩm định giá phải có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về giá, nhất là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định như trên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định giá nhà nước.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp.HCM nêu thực trạng sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý, về đăng ký hành nghề thẩm định giá đề nghị bổ sung thêm đối tượng không được hành nghề thẩm định giá là viên chức để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định giá.
Băn khoăn việc tăng số lượng thẩm định viên trong doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đến quy định về nhân lực thực hiện thẩm định giá tại Điều 44 và thẩm định giá của Nhà nước tại Điều 60. Đại biểu cho rằng, các quy định này rất cần được Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh cho tương thích, thống nhất. Vì thực chất, quy định muốn trở thành thành viên Hội đồng thẩm định giá của Nhà nước hay ngoài Nhà nước đều phải có nghiệp vụ thẩm định giá. Đại biểu cũng kiến nghị nâng tỉ lệ từ 50% lên 70% thành viên Hội đồng thẩm định giá. Về hình thức chứng nhận chuyên môn, đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị xem xét, sửa đổi theo hướng tích hợp trong đào tạo, bồi dưỡng.
Về đăng ký hành nghề thẩm định giá, Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, điểm b, khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật về điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá của người có thể có thể thẩm định viên về giá là phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo đại biểu quy định này là không phù hợp với thực tiễn. Do đó, đề nghị sửa đổi điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 theo hướng chỉ cần có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài ra, cho ý kiến về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đại biểu Võ Mạnh Sơn bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật đặt ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đối với doanh nghiệp thẩm định giá như tăng số lượng thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp; yêu cầu các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá hay đặt ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật… là chưa đủ bằng chứng là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại, tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị cần quy định tiêu chuẩn để trở thành thành viên Hội đồng thẩm định giá là phải có chuyên môn thẩm định giá. Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá phải là công chức, viên chức để đảm bảo chất lượng của Hội đồng thẩm định giá cũng như đảm bảo điều kiện để mỗi thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia Hội đồng thẩm định giá.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nhận thấy, quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật như vậy sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện và chưa đảm bảo tính pháp lý xuyên suốt trong hoạt động giao kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng dịch vụ cho hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Do vậy đề nghị cân nhắc điều chỉnh theo hướng: Hội đồng thẩm định giá có quyền đề xuất với cơ quan thành lập Hội đồng thuê tổ chức có chức năng thực hiện giám định hoặc là chức năng thuê doanh nghiệp có chức năng thẩm định để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá.
Theo MarketTimes