HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM -------***------- Số: 187 /2019/CV/HTĐGVN V/v: Tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ xung Nghị định 89/2013/NĐ-CP. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------***-------
Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2019
|
Kính gửi: Bộ Tài chính
Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận được Công văn số 11809/BTC-QLG ngày 3/10/2019 của Bộ Tài chính đề nghị tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 89/2013/NĐ-CP;
Sau khi nghiên cứu các Dự thảo, Hội Thẩm định giá Việt Nam có ý kiến như sau:
Vấn đề sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã được Hội Thẩm định giá Việt Nam quan tâm và các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung đã được Hội báo cáo Bộ Tài chính tại Công văn số 74/2017/CV-HTĐGVN ngày 31/8/2017. Nay Bộ Tài chính đưa ra Dự thảo để lấy ý kiến góp ý; Quan điểm của Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng Nghị định 89/2013/NĐ-CP có rất nhiều nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; Vì thế nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số nội dung như các Dự thảo nêu ra thì Nghị định vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định. Với quan điểm như vậy, Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị:
1. Về Tờ trình: Đề nghị phải có mục: “Các vấn đề còn có ý kiến khác nhau và quan điểm của Ban Soạn thảo”.
2. Các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định
2.1 Thống nhất các nội dung Dự thảo đưa ra.
2.2 Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thêm các nội dung sau:
· Nội dung thứ nhất: Quản lý Nhà nước về thẩm định giá
Mặc dù Nghị định đã quy định thẩm quyền quản lý Nhà nước về thẩm định giá là: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về thẩm định giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thẩm định giá trong đó có chức năng ban hành hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam “Để áp dụng trong hoạt động thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam” (Khoản 2, Điều 6, Nghị định 89/2013/NĐ-CP). Như vậy với quy định đó thì: Bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào hoạt động thẩm định giá đều phải tuân thủ quy định về thẩm định giá của Luật Giá (Khoản 1, Điều 3; Khoản 3, Điều 28 Luật Giá).
Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra trường hợp có Bộ, Ngành đã có những quy định về giá, thẩm định giá “xung đột” với Luật Giá, hệ thống Tiêu chuẩn TĐGVN, gây khó khăn cho hoạt động thẩm định giá. Cụ thể: Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn định giá đất đã có những quy định không chuẩn về phương pháp xác định giá đất (thậm chí sai) và xung đột với Luật Giá, Nghị định hướng dẫn Luật Giá về hoạt động tư vấn giá đất. Những nội dung đó, Hội Thẩm định giá Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp thẩm định giá và đã có Công văn số 28/2015/CV – HTĐGVN ngày 4/5/2015 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kiến nghị phải sửa đổi để đảm bảo tính đúng đắn, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; Nhưng đến nay đã hơn 4 năm, những bất cập đó vẫn tồn tại không được giải quyết gây bức xúc cho những người làm nghề, khó khăn cho hoạt động thẩm định giá tài sản. Sở dĩ như vậy là vì Nghị định số 89/2013/NĐ-CP không có quy định quản lý Nhà nước về giá phải có nội dung: “Kiểm tra việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giá, thẩm định giá và có biện pháp xử lý thích hợp”; do đó dẫn đến tình trạng cùng một vấn đề quy định giữa các Bộ có sự mâu thuẫn nhau, “không Bộ nào nghe Bộ nào”.
Mặt khác, nội dung quản lý Nhà nước cũng không quy định phải “Kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thẩm định giá”, nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên thực tế đang diễn ra khá phổ biến, phức tạp thông qua các hành vi: giảm giá dịch vụ bất hợp lý (chỉ bằng 50%-60% mức giá dịch vụ doanh nghiệp đã công bố); chi “hoa hồng”, “chiết khấu”, khuyến mại không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh; sẵn sàng chấp nhận các điều kiện không hợp lý của khách hàng (thời gian, quy trình, mức giá thẩm định…). Tình trạng đó xuất hiện hoạt động của “thị trường ngầm” về giá dịch vụ thẩm định giá, chiết khấu, hoa hồng; chất lượng dịch vụ thấp; giá tài sản thẩm định không phù hợp với giá thị trường góp phần gây nợ xấu của nền kinh tế (đối với lĩnh vực thẩm định giá tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng), tạo nghi ngờ cho khách hàng về nghề, về đạo đức, năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ làm giảm uy tín, sự tin tưởng của khách hàng về nghề thẩm định giá.
Vì những lý do trên, Hội Thẩm định giá Việt Nam kiến nghị bổ sung vào nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động thẩm định giá:
- Thủ Tướng Chính phủ giao Bộ Trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về thẩm định giá của các Bộ, ngành, địa phương và có biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Luật Giá.
- Kiểm soát và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thẩm định giá.
· Nội dung thứ hai: Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá.
i) Luật Giá quy định 6 Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá, trong đó có 2 tiêu chuẩn: Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá; có Chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đây là 2 tiêu chuẩn gắn liền nhau; khi quy định cụ thể Nghị định đã hướng dẫn những người tốt nghiệp Đại học chuyên ngành liên quan đến thẩm định giá trong đó có: Kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, Luật được loại trừ, không cần phải có Chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp là không hợp lý, không phù hợp với quy định của Luật Giá, hệ quả là sẽ tạo ra nguồn nhân lực kém chất lượng. Sở dĩ như vậy là vì: Hầu hết những chuyên ngành trên không đào tạo kiến thức cơ bản về giá, thẩm định giá (trừ chuyên ngành kinh tế) nên những đối tượng tốt nghiệp các chuyên ngành đó khi tham gia các lớp ôn thi để dự thi lấy Thẻ thẩm định viên về giá do Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức, gặp rất nhiều khó khăn (vì thiếu kiến thức nền) thậm chí có những người hỏi giảng viên những điều rất sơ đẳng như: C,V,M là gì ? tại sao có đường cung – cầu như vậy? Qd, Qs là gì ?; rất nhiều người gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức về toán ứng dụng trong thẩm định giá.
Vì vậy, Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị bãi bỏ nội dung quy định trên tại Điểm B, Khoản 5, Điều 7 của Nghị định, chỉ loại trừ trường hợp: Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học, cao đẳng trong nước hoặc nước ngoài về chuyên ngành Vật giá, thẩm định giá.
ii) Đề nghị chuyển giao các quy định về thi, cấp Thẻ thẩm định viên về giá từ Bộ Tài chính về Hội nghề nghiệp.
Mô hình này Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có ý kiến, đồng thời cũng đang áp dụng với Hội Kiểm toán viên hành nghề.
· Nội dung thứ ba: Giá dịch vụ thẩm định giá
Nghị định quy định: Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá là đúng với quy định của Luật Giá; đồng thời Nghị định cũng đã quy định các căn cứ để doanh nghiệp tự tính toán công bố bảng giá dịch vụ của mình.
Với quy định trên (chỉ có định tính, không có định lượng) đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá trong hoạt động thẩm định giá hiện nay như đã phân tích ở nội dung thứ nhất trên đây. Để khắc phục tình trạng đó, Hội Thẩm định giá Việt Nam kiến nghị cần bổ sung nội dung: “nghiêm cấm các doanh nghiệp thẩm định giá cung ứng dịch vụ thẩm định giá dưới giá thành dịch vụ thẩm định giá tính toán theo các căn cứ trên để loại bỏ đối thủ cạnh tranh; áp dụng các hình thức khuyến mại không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh khi cung ứng dịch vụ thẩm định giá”
Nội dung kiến nghị bổ sung trên là phù hợp với Luật Cạnh tranh và không mâu thuẫn với Luật Giá. Nghị định bổ sung nội dung trên sẽ tạo căn cứ pháp lý để Bộ Tài chính hướng dẫn mức độ định lượng phù hợp mà vẫn bảo đảm được quyền tự quyết của doanh nghiệp; vừa bảo đảm tính công khai về giá (Biểu giá do doanh nghiệp công bố) nhưng vẫn bảo đảm được quyền cạnh tranh hợp pháp của doanh nghiệp, tính bí mật trong cạnh tranh về giá của doanh nghiệp (ví dụ sẽ hướng dẫn: trong trường hợp doanh nghiệp và khách hàng thỏa thuận phải giảm giá thì mức giảm không quá 15%-20% so với Biểu giá đã công bố)
· Nội dung thứ tư: Hướng dẫn bổ sung điều kiện thành lập và kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá.
i) Bổ sung quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp
Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển “quá nóng” với những quy mô rất khác nhau, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ; để tồn tại chính các doanh nghiệp thuộc loại hình này cạnh tranh rất mạnh với các doanh nghiệp có quy mô lớn, thậm chí cạnh tranh rất không lành mạnh bằng các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tranh cướp khách hàng, không bảo đảm chất lượng, đưa ra giá dịch vụ thẩm định giá tùy tiện, dưới mức cần thiết làm nhiễu loạn thị trường. Sở dĩ như vậy là vì: Nhiều doanh nghiệp bản chất không phải là doanh nghiệp thẩm định giá (doanh nghiệp chuyên doanh về giá) theo tư tưởng cốt lõi của Luật Giá, mà là doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp, đa ngành nghề, đa lĩnh vực (trong đó rất nhiều ngành nghề không liên quan đến giá và thẩm định giá), nhưng vẫn được cơ quan có thẩm quyền công nhận, cấp phép hoạt động là doanh nghiệp thẩm định giá. Do vậy, một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đương nhiên được coi là có nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề khác hoạt động trong một doanh nghiệp thẩm định giá đó; ví dụ: doanh nghiệp vừa kinh doanh dịch vụ kiểm toán, vừa kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, khi doanh nghiệp đó đến Bộ Tài chính đăng ký đủ điều kiện hoạt động thì đơn vị có thẩm quyền cấp Chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá ghi nhận đó là doanh nghiệp thẩm định giá; cũng doanh nghiệp đó tới đơn vị có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm toán thì lại ghi nhận đó là doanh nghiệp kiểm toán (một doanh nghiệp có 2 tên do chính cơ quan quản lý đặt), đó là một bất cập, khá nhiều doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề dịch vụ thẩm định giá chỉ xác định ngành thẩm định giá như một hoạt động kinh doanh phụ, bổ sung…
Chính vì vậy, Nghị định cần bổ sung quy định rõ ràng về doanh nghiệp thẩm định giá (chứ không phải doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá cũng được coi là doanh nghiệp thẩm định giá), nhằm thanh lọc tình trạng thành lập và công nhận các doanh nghiệp là doanh nghiệp thẩm định giá quá dàn trải, quy mô “siêu nhỏ” như hiện nay, bảo đảm để doanh nghiệp thẩm định giá phải là các doanh nghiệp Chuyên doanh về giá (thẩm định giá, đấu giá, tư vấn giá, dịch vụ thông tin về giá…)
Mặt khác, hiện nay có một số đơn vị thành lập doanh nghiệp TĐG với ý tưởng là để TĐG tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị mình (nhất là các ngân hàng thương mại), nhưng khi đã thành lập thì lại được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép TĐG cho tất cả các khách hàng có nhu cầu TĐG trong nền kinh tế, đây là một hành xử trái với Điều 10 của Nghị định; tình trạng đó đã đóng góp thêm không nhỏ vào tình trạng cạnh tranh gay gắt hiện nay. Vì vậy, đối với những doanh nghiệp như vậy cần bổ sung quy định không cấp phép kinh doanh chỉ để phục vụ đơn vị thành lập ra mình, nhằm bảo đảm để doanh nghiệp TĐG hoạt động độc lập, không có cơ quan quản lý, điều hành cấp trên theo quy định của Luật Giá và Luật DN, bảo đảm để hoạt động khách quan, xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, loại hình công ty “sân sau, vườn sau”.
ii) Quy định bổ sung điều kiện cấp, cấp lại Giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ TĐG.
Trong các quy định hiện hành đã có hướng dẫn khi doanh nghiệp đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ TĐG thì doanh nghiệp phải có “Bản sao hợp đồng lao động hoặc phụ lục Hợp đồng lao động (nếu có) của các thẩm định viên đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp”. Quy định như vậy là đúng, nhưng chưa đủ, vẫn có kẽ hở tạo ra sự khai báo không chính xác, không đúng thực tế sử dụng lao động tại doanh nghiệp. Để quản lý chặt chẽ, chống gian lận, đề nghị bổ sung thêm quy định phải có:
- Bản sao tiền lương doanh nghiệp chi trả.
- Bản sao thực tế đóng bảo hiểm xã hội của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp.
· Nội dung thứ năm: Thẩm định giá Nhà nước.
1. Trình tự TĐG
Để đảm bảo chất lượng TĐG, đề nghị bãi bỏ quy định “Tùy theo tài sản cần TĐG, trình tự TĐG có thể rút gọn một số bước so với quy định tại Khoản 1, Điều này”. Trường hợp không bãi bỏ thì phải quy định giới hạn bắt buộc phải tuân thủ những bước nào, được rút gọn những bước nào, tránh tình trạng đã xảy ra trong thực tiễn tùy tiện bớt xén quy trình TĐG.
Mặt khác quy định như vậy tạo ra sự bất bình đẳng với các DN TĐG khi phải thực hiện đủ 6 bước, kể cả TĐG loại tài sản có giá trị nhỏ, yêu cầu về thời gian không nhiều… Do vậy khi sửa nội dung này cần có sự thống nhất về trình tự giữa cơ quan NN và DNTĐG.
2. Về chi phí phục vụ cho việc TĐG.
Đề nghị bãi bỏ quy định: “Chi phí phục vụ cho việc TĐG của Nhà nước được trang trải bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước của cơ quan được giao nhiệm vụ TĐG hoặc cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng TĐG…” thay bằng: “Chi phí phục vụ cho việc TĐG của Nhà nước do tổ chức có tài sản cần TĐG chi trả”. Sở dĩ như vậy vì:
- Tài sản Nhà nước là một khái niệm phạm vi bao quát các loại tài sản khá rộng, bao gồm tài sản hình thành từ vốn ngân sách Nhà nước, từ vốn có nguồn gốc ngân sách; đất đai; tài sản của cơ quan Nhà nước, của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần mà Nhà nước có cổ phần chi phối…Hiện nay, khối lượng TĐG tại các doanh nghiệp TĐG là tài sản Nhà nước chiếm khoảng 70%-75% khối lượng công việc. Nếu cơ quan Nhà nước thẩm định giá các tài sản này mà không thu tiền dịch vụ (có thể coi đây là một loại dịch vụ công) thì ¾ số lượng khách hàng có nhu cầu TĐG tất nhiên sẽ không thuê các DN TĐG, bởi nếu thuê DNTĐG vừa tốn tiền mà “tính pháp lý” của kết quả TĐG không có “sức mạnh” bằng kết quả TĐG của cơ quan quản lý Nhà nước. Cách làm đó có thể coi là quay lại cơ chế “bao cấp”, không có ràng buộc trách nhiệm đối với đơn vị được giao quản lý tài sản Nhà nước, cơ chế “xin-cho” vẫn tồn tại, Nhà nước thẩm định giá biến thành Nhà nước quyết định giá.
- Ngân sách Nhà nước phải chi phí cho việc TĐG tài sản mà tài sản Nhà nước đó do đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ đưa vào sản xuất kinh doanh cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường là không phù hợp với Luật ngân sách nhà nước.
- Quy định đó sẽ mâu thuẫn với thẩm định giá tài sản trong tố tụng hình sự (TĐG trong tố tụng hình sự là cơ quan tố tụng có yêu cầu xác định giá trị tài sản thì phải chi trả kinh phí cho Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự hoặc đơn vị thẩm định giá được thuê TĐG tài sản).
· Nội dung thứ sáu: Tổ chức nghề nghiệp
1. Đề nghị sửa khoản 2, Điều 9, Nghị định 89/2013/NĐ-CP thành hoàn chỉnh như sau:
“Tổ chức nghề nghiệp về TĐG được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về TĐG và kiến thức chuyên môn về TĐG và thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến hoạt động về TĐG như sau:”
Quy định như vậy để bảo đảm minh bạch về tính pháp lý tổ chức nghề nghiệp về TĐG được thực hiện 2 nhiệm vụ:
+ Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về TĐG - nhiệm vụ thường xuyên đáp ứng nhu cầu của xã hội.
+ Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về TĐG – chính là nhiệm vụ “Cập nhật kiến thức” hàng năm cho các TĐV về giá hành nghề theo quy định của Luật Giá.
2. Đề nghị bãi bỏ điểm b, Khoản 2, Điều 9 của Nghị định “Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức thi cấp Thẻ TĐV về giá” thay bằng: “Tổ chức thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá” (Đương nhiên khi Hội nghề nghiệp được giao làm việc này sẽ phải phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước). Sở dĩ như vậy là vì:
- Đây cũng chính là chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công của Đảng và Nhà nước, của Bộ Tài chính. Cơ quan quản lý Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế chính sách, quản lý và kiểm soát hoạt động này.
- Sự thay thế đó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về TĐG.
3. Đề nghị bổ sung quy định:
“Phối hợp với Bộ Tài chính:
- Xây dựng cơ chế, chính sách về giá và TĐG.
Trên đây là ý kiến góp ý của Hội Thẩm định giá Việt Nam về các Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2013/NĐ-CP; Kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp.
Nơi nhận: - Như trên - Cục Quản lý giá – BTC - Vụ Pháp chế - BTC - Các thành viên BCH - Đăng Website - Lưu VT |
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Tiến Thỏa |