HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM
Số: 14 /CV-HTĐGVN V/v Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2024 |
Kính gửi: Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá)
Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận được Công văn số 1022/BTC-QLG ngày 24/1/2024 đề nghị góp ý Dự thảo của Bộ Tài chính về Thông tư ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
Sau khi nghiên cứu, Hội Thẩm định giá Việt Nam góp ý cụ thể vào từng nội dung của Dự thảo cần được xem xét sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Chương 1: Quy định chung:
1.1 Phạm vi điều chỉnh:
- Về nguyên tắc: Thông tư chỉ nên hướng dẫn những nội dung có trong Thông tư, không viết nội dung không điều chỉnh trong Thông tư và càng không viết lại các nội dung mà Luật Giá đã quy định phạm vi điều chỉnh một cách cụ thể:
- Vì vậy đề nghị giữ lại Khoản 1, Điều 1, Dự thảo; bãi bỏ Khoản 2, Khoản 3 của Dự thảo.
1.2. Đối tượng áp dụng:
Nội dung của Điều này cần viết gọn mà vẫn rõ nghĩa như Luật Giá, cụ thể:
- Từ Khoản 1 đến Khoản 4 của Dự thảo thì các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực giá là: tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng, cơ quan Nhà nước… bỏ “đơn vị”.
- Khoản 5, Điều 2: Đối tượng áp dụng, đề nghị viết lại như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ và các cá nhân khác, người tiêu dùng có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều này có quyền áp dụng phương pháp định giá tại Thông tư này để định giá hàng hóa, dịch vụ”.
1.3. Giải thích từ ngữ:
1.3.1. Khoản 1 viết như vậy là không đầy đủ, đề nghị viết lại như sau:
“Phương pháp định giá là cách thức để xác định giá hàng hóa, dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá thực hiện theo các hình thức quy định tại Khoản 2, Điều 21 phù hợp với nguyên tắc và căn cứ định giá quy định tại điểm a, b, Khoản 1; Khoản 2, Điều 22 Luật này”.
1.3.2. Phương pháp chi phí: Khái niệm này có một số nội dung cần được lưu ý giải quyết và hướng dẫn cho sáng rõ quy định của Luật Giá:
- Đề nghị thay cụm từ “định giá dựa trên…” bằng “định giá căn cứ vào…”
- Căn cứ định giá của Nhà nước quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 22 Luật Giá là “yếu tố hình thành giá” mà yếu tố hình thành giá quy định tại Khoản 7, Điều 4, Luật Giá có bao gồm “Khoản lỗ (nếu có)” thì khái niệm về phương pháp chi phí phải viết lại cho phù hợp với Luật Giá.
- Đối với nội dung về “tích lũy (nếu có): Cần phải được làm rõ để tránh sự lầm lẫn cả về lý luận và thực tiễn ứng xử.
+ Về nguyên lý thì: Lợi nhuận sẽ tạo ra tích lũy cho Nhà nước và doanh nghiệp. Cũng có nghĩa tích lũy được “đẻ ra từ lợi nhuận”.
+ Tích lũy để lập 2 quỹ hiện nay trong ứng xử tài chính doanh nghiệp công ích là không được cộng vào mức giá, chỉ khi hết chu kỳ sản xuất, căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được xếp vào loại theo quy định nào đó thì mới được phép trích quỹ.
+ Tuy nhiên tích lũy để lập 2 quỹ ở Luật Giá này phải được khẳng định được lập từ lợi nhuận và lợi nhuận được tính ngay trong cơ cấu hình thành giá khi định giá. Chỉ có như vậy mới phù hợp với nguyên lý tích lũy tư bản trong kinh tế học, đó là “Tích lũy tư bản là một bộ phận giá trị thặng dư trở lại thành tư bản” – nghĩa là “Bản chất của tích lũy tư bản là tư bản hóa giá trị thặng dư”.
Từ những diễn giải trên từ nội dung… “Lợi nhuận hoặc tích lũy (nếu có)” phải được viết lại thành… “lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường hoặc một phần lợi nhuận để tích lũy (nếu có)”.
- Phương pháp chi phí chỉ bao gồm: giá thành toàn bộ + Lợi nhuận + Nghĩa vụ tài chính… Đây là công thức không sai. Tuy nhiên khi công thức tính giá này đặt trong cơ chế giá thị trường lại không đầy đủ khi không được cộng thêm yếu tố “cung – cầu”, khi cung lớn hơn cầu giá có thể không có lãi hoặc lãi ít; khi cung nhỏ hơn cầu giá tăng cao và có lãi nhiều. Chính điều này đã gây rủi ro pháp lý cho những người hoạt động trong lĩnh vực giá, đặc biệt là trong thời gian diễn ra dịch Covid 19 – nếu tuân thủ nguyên tắc thị trường. Bởi thực tế khi tính giá thì theo công thức trên nhưng khi đưa hàng hóa ra thị trường, do các quy luật của giá cả tác động hàng hóa có thể được bán cao hơn hoặc thấp hơn chi phí … Nếu không chấp nhận nguyên tắc này sẽ rất khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hoạt động của thị trường sẽ bất ổn. Ví dụ:
Khẩu trang chống dịch: Khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, giá bù đắp chi phí và có lợi nhuận chỉ khoảng 50.000đ/hộp. Nhưng khi dịch xảy ra, cung – cầu mất cân đối, giá tăng đột biến lên khoảng 350.000đ/hộp – 500.000đ/hộp. Trong khi chi phí sản xuất không tăng.
Thịt lợn hơi: Giá bù đắp chi phí và có lợi nhuận bình thường khoảng 55.000 – 60.000đ/kg, khi cung – cầu mất cân đối giá lên đến 100.000 đ/kg. Trong khi chi phí sản xuất không tăng. Thực tế trên thị trường phải chấp nhận mua, bán, thanh toán theo giá thị trường đã hình thành mà không thể bắt thị trường bán theo chi phí.
Do vậy, đề nghị Ban Soạn thảo lưu tâm vấn đề này để có hướng dẫn phù hợp theo hướng: Giá bằng chi phí thị trường cộng với lãi suất thị trường…
1.3.3. Phương pháp so sánh:
Đề nghị thay cụm từ “định giá dựa trên…” bằng “định giá căn cứ vào các thông tin…”
1.3.4. Giải thích về điều kiện thị trường:
Có lẽ giải thích như Dự thảo điều kiện thị trường bình thường là điều chúng ta rất mong muốn, nhưng thực tế thì lại không luôn như thế, bởi thị trường luôn vận động và bị tác động bởi rất nhiều nhân tố, tức thị trường phải chấp nhận cả yếu tố bình thường và yếu tố không bình thường. Dù bình thường hay không bình thường thì các giao dịch mua bán, thanh toán vẫn phải diễn ra, ví dụ:
Trong điều kiện nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta, sự bất ổn của thị trường thế giới tác động vào giá trong nước, không cách nào khác chúng ta phải theo giá thế giới (giá xăng dầu là minh chứng).
Hay trường hợp sản xuất cung ứng điện, nếu Ennino xảy ra, sản lượng thủy điện sụt giảm không như cân đối bình thường; để bảo đảm đủ điện chúng ta buộc phải huy động các nguồn có giá thành cao để bù đắp sản lượng thiếu hụt…
Nếu chúng ta không chấp nhận thực tế đó thì hệ quả sẽ là: Giá không bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, gây lỗ cho doanh nghiệp và nguy cơ thiếu hụt hàng hóa, đứt gẫy nguồn cung là không tránh khỏi.
Chính vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn, nếu giữ cách giải thích này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn không thể lý giải ở ngay điểm a, Khoản 1, Điều 22. Nguyên tắc định giá của Nhà nước: “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất… phù hợp với mặt bằng giá thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá… Đồng thời phải giải quyết mâu thuẫn các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này khi ở đây thì quy định phải định giá trong điều kiện bình thường.
1.3.5. Đề nghị Ban Soạn thảo cần giải thích nội dung “Khoản lỗ (nếu có)” trong cơ cấu yếu tố hình thành giá để tính giá theo phương pháp chi phí.
2. Chương II: Phương pháp định giá chung
2.1. Đề nghị bãi bỏ Điều 5: Lựa chọn phương pháp định giá thay bằng: “Điều kiện áp dụng các phương pháp định giá”.
Sở dĩ như vậy là vì: Chúng ta quy định lựa chọn phương pháp định giá để cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động lựa chọn cho phù hợp. Nhưng thực tế vừa qua lại gây khá rắc rối về mặt pháp lý khi 2 phương pháp cùng đủ điều kiện áp dụng, doanh nghiệp lựa chọn phương pháp so sánh, nhưng cơ quan pháp luật thì lại áp phương pháp chi phí… tìm ra chênh lệch về kết quả của 2 phương pháp và kết luận có thất thoát…
Do đó, chúng tôi đề nghị quy định chặt chẽ hơn về pháp lý; cụ thể:
- Điều kiện để áp dụng phương pháp chi phí:
Phương pháp chi phí được áp dụng để định giá hàng hóa, dịch vụ khi xác định được các yếu tố hình thành giá, nhưng không đủ điều kiện áp dụng phương pháp so sánh .
- Điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh:
Phương pháp so sánh được áp dụng để định giá hàng hóa, dịch vụ khi có ít nhất 3 hàng hóa, dịch vụ so sánh được lựa chọn thu thập được các thông tin quy định tại Khoản 2, Điều 15, Thông tư này.
- Trường hợp các hàng hóa, dịch vụ đủ điều kiện áp dụng được cả 2 phương pháp cùng lúc thì ưu tiên lựa chọn phương pháp so sánh để định giá.
2.2. Điều 6: Yếu tố hình thành giá
2.2.1. Việc xác định giá hàng hóa, dịch vụ theo phương pháp chi phí, đề nghị Ban Soạn thảo lưu tâm các ý kiến chúng tôi đã nêu tại các điểm 1.3.1; 1.3.2; 1.3.4; 1.3.5; Khoản 1.3; Mục I tại Công văn này.
2.2.2. Đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ: Việc tính giá theo phương pháp chi phí chỉ căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật hay có kết hợp tính theo chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ không? Nếu tính thì phải cần số liệu mấy năm trước thời điểm định giá (Dự thảo không nêu rõ).
Trong trường hợp kết hợp cả thực tế và định mức, khi xảy ra tình huống chi phí thực tế cao hơn (hoặc thấp hơn định mức thì xử lý thế nào?).
2.2.3. Công thức tính giá thành toàn bộ tại Khoản 2 sửa dấu (+) chi phí phân bổ cho sản phẩm phụ thành dấu (-).
2.2.4. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn có những ngành hàng sản xuất kinh doanh: đồng thời thu được nhiều loại sản phẩm mà không phải là sản phẩm phụ (ví dụ các sản phẩm của ngành thủy lợi) mà không tách bạch được chi phí để tính giá cho từng loại sản phẩm thì đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu thêm và hướng dẫn thêm phương pháp chi phí tính từ chi phí phân bổ.
2.3. Tại Điều 10: Giá nhập khẩu hàng hóa
2.3.1. Việc tính giá vốn hàng nhập khẩu theo trị giá hải quan là phù hợp với Điều 86, Luật Hải quan năm 2014: “Trị giá hải quan đối với hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên”. Đó là những loại hàng hóa phải khai tờ khai trị giá hải quan.
Tuy nhiên đối với những loại hàng hóa không phải khai tờ khai trị giá hải quan cần được hướng dẫn rõ cách tính (có thể lấy ý kiến của Tổng Cục Hải quan về vấn đề này), cụ thể:
- Tại Điều 18, Thông tư 39/2015/TT-BTC có hướng dẫn đối với hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại thì không phải khai tờ khai trị giá hải quan.
- Tại Điều 5 đến Điều 29, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định hàng hóa thuộc diện không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 6/4/2016 cũng không phải khai tờ khai trị giá hải quan, gồm:
Giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được cần thiết phải nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục.
Hàng hóa xuất nhập khẩu để phục vụ bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
2.3.2. Đề nghị đưa Khoản 5 lên công thức của Khoản 1.
2.4. Đề nghị bỏ Điều 12 vì Luật Giá đã điều chỉnh
2.5. Điều 13: Đề nghị bổ sung:
- Về lợi nhuận dự kiến: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quy định mức hoặc tỷ suất lợi nhuận thì tính theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.
Quy định bổ sung như vậy vì thực tế hiện nay một số hàng hóa đang được cơ quan có thẩm quyền quy định mức hoặc tỷ suất lợi nhuận như: xăng dầu, nước sạch, dịch vụ xử lý nước thải, rác thải…
- Về tích lũy: Tích lũy và lợi nhuận như đã góp ý tại Điểm 1.3.2, Khoản 1.3, Mục 1, Công văn này để tránh hiểu tích lũy, lợi nhuận như 2 khoản khác nhau.
2.6. Điều 14: Cách xác định giá
Đề nghị xóa bỏ quan điểm xây dựng giá “phù hợp với mặt bằng giá thị trường nhưng không vượt dự toán ngân sách được giao… quy định ở Điều này và tất cả các Điều khác. Sở dĩ như vậy là vì:
- Thông tư hướng dẫn về giá chứ không phải hướng dẫn về giá và ngân sách. Cần quán triệt quan điểm: Giá phải được định khách quan, đúng quy luật của giá. Nhà nước cũng là một khách hàng, phải tôn trọng thị trường, có tiền đến đâu mua đến đấy.
- Cách quy định trên gọi nôm na “gọt chân cho vừa giầy” đã làm cho giá không còn là giá, giá không thực hiện được nguyên tắc định giá của Luật Giá. Đây là thể hiện rõ nhất tư tưởng “thị trường nửa vời” và sẽ quay lại cơ chế bao cấp.
- Không những thế còn tạo ra sự xung đột trong nguyên lý thị trường. Nếu giá định đúng khách quan nhưng lại không cho vượt dự toán (khả năng ngân sách) thì còn đâu là giá “phù hợp với mặt bằng thị trường” như tư tưởng của Luật Giá và ngay trong Dự thảo.
2.7. Điều 15:
2.7.1. Đề nghị Khoản 2, Điều 15 và Khoản 2, Điều 16 cần viết thống nhất rõ hơn… “3 đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ khác nhau trên các địa bàn (địa phương) khác nhau có tính tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội gần nhất với địa bàn của hàng hóa, dịch vụ cần định giá…..”
2.7.2. Đề nghị bổ sung thêm các nguồn thông tin thu thập:
- Giá tính thuế (ví dụ trường hợp trị giá hải quan nêu trên hoặc giá đã tham vấn của cơ quan thuế để tính thuế…)
- Giá trong các cơ sở dữ liệu về giá.
2.7.3. Với Dự thảo: Nếu gom lại các nguồn thông tin cần thu thập thì tính chất (đặc điểm) của nó có 3 loại: Giao dịch thành công, giao dịch chưa thành công và chưa diễn ra giao dịch.
Do đó, đề nghị sắp xếp lại hệ thống nguồn thông tin thu thập theo thứ tự ưu tiên và khi lựa chọn thông tin để phân tích cùng đi theo thứ tự ưu tiên từ: Giao dịch thành công đến giao dịch chưa thành công và chưa giao dịch.
Mặt khác, cũng cần đối chiếu với Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về phương pháp so sánh để bảo đảm tính tương đồng về quy phạm pháp luật do cùng một Bộ ban hành để có thể tham chiếu lẫn nhau trong quá trình định giá.
Trên đây là những góp ý của Hội Thẩm định giá Việt Nam, kính đề nghị Quý Bộ xem xét xử lý phù hợp.
Nơi nhận: - Như trên; - Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp VN - Các thành viên BCH Hội - Các Ban: NCKH, Pháp chế, Kiểm tra, Câu Lạc Bộ TĐGSG, Đối ngoại. - Các đơn vị Hội viên - Tạp chí, Website - Lưu VP |
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Tiến Thỏa |