GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH Thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện; đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần

28/04/2023
0


 

Hà Nội, ngày 16  tháng 4 năm 2020

 

 

BẢN GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH

“Thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện; đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần ”

 

Kính gửi: Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện

 

          Sau khi được nghiên cứu Dự thảo Nghị định, tôi xin được góp ý trực tiếp về vấn đề mà Ban Soạn thảo quan tâm đến các nội dung về giá của Dự thảo như sau:

          I. Các căn cứ: Đề nghị bổ sung “Căn cứ Luật Giá”

          II. Những khái niệm trong Dự thảo cần được thống nhất:

          1. Khái niệm “đơn giá”

          1.1 Dự thảo Nghị định nêu các khái niệm sau:

·     Tại Khoản 1, Điều 4 về đấu giá quyền sử dụng băng tần thì ở đây được hiểu là “giá quyền sử dụng băng tần”.

·     Tại Khoản 2, Điều 4, phần giải thích công thức mức thu tiền ghi là “Đ­­tt là đơn giá mức thu tối thiểu tiền sử dụng băng tần”.

·     Tại Điều 5: “Phương pháp xác định đơn giá mức thu tối thiểu”

·     Tại Điều 6: “Quy trình xác định, phê duyệt đơn giá mức thu tối thiểu”

          1.2 Theo quy định của pháp luật hiện hành

          - Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12: “Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện” (Khoản 2, Điều 31)

          - Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 tại Khoản 3, Điều 81; Khoản 1, Điều 83; Khoản 1, Điều 84 ghi: “Giá dịch vụ sử dụng kết cấu hạ tầng” mà các tài sản kết cấu hạ tầng được quy định tại Khoản 7, Điều 4, trong đó có tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện… và quy định tại Khoản 5, Điều 21: Kho số viễn thông, kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên internet, phổ tần số vô tuyến điện…

          Như vậy là Dự thảo Nghị định và quy định của Luật là có các khái niệm rất khác nhau, đặc biệt là khái niệm của Dự thảo không phù hợp với quy định của luật đối với 2 luật nêu trên có 2 khái niệm khác nhau về giá, đó là: “Giá quyền sử dụng băng tần” và “Giá dịch vụ sử dụng băng tần”. Tôi cho rằng, suy cho cùng về bản chất thì 2 khái niệm này đều đúng, nhưng chúng lại mâu thuẫn với nhau về tên gọi.

          Để giải quyết mâu thuẫn này, cần áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/5/2015: “Trong trường hợp các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản pháp luật ban hành sau” (Khoản 3, Điều 156). Do đó, theo tôi là phải dùng khái niệm: “Giá dịch vụ (hoặc đơn giá dịch vụ) sử dụng băng tần vô tuyến điện và Dự thảo Nghị định cần thống nhất theo khái niệm này; không nên dùng khái niệm “đơn giá thu” vì đơn giá sử dụng dịch vụ đó chính là đơn giá dùng để thu tiền sử dụng dịch vụ nhằm tránh trường hợp lại xảy ra tranh luận không cần thiết như kiểu “Trạm thu giá BOT”.

          2. Khái niệm “Đơn giá mức thu tối thiểu” để tính mức thu tiền sử dụng tối thiểu đối với trường hợp thi tuyển, gia hạn, cấp mới… (Khoản 2, Điều 4 Dự thảo)

          Nội dung này tôi không hiểu ý tưởng của Ban Soạn thảo đặt ra?

          Tại sao lại thu tiền theo giá tối thiểu? thế có mức thu theo giá tối đa không?

          Theo tôi: Nếu đã thu tiền sử dụng dịch vụ thì phải thu theo giá tính đúng, giá tính theo giá thị trường, nếu thu theo giá tối thiểu sẽ làm thất thoát tiền của nhà nước. Vì vậy, công thức tính mức thu tiền tôi đề nghị là:

          Mt = ĐG x Bw x T

Trong đó: ĐG thay cho ĐGtt sẽ được giải thích là: “Đơn giá dịch vụ sử dụng băng tần”. Đồng thời ở nội dung Điều 5, các điều khác cũng được ghi cho thống nhất. Đây chính là đơn giá tính trên một độ rộng băng tần dùng để thu tiền sử dụng tổng độ rộng băng tần được cấp phép.

          3. Khái niệm “đơn giá mức thu tối thiểu” và “Giá khởi điểm…” tại Điều 9.

          Với nội dung tôi phân tích ở mục 2 nêu trên thì cũng cần xem xét lại Điều 9 của Dự thảo. Có nghĩa là cần phải có hướng dẫn về cách tính giá khởi điểm để có hành lang pháp lý thống nhất, ngăn ngừa rủi ro.

          Vì vậy Điều 9 tôi đề nghị nên quy định như sau: “Giá khởi điểm của một đơn vị độ rộng băng tần được xác định theo các nguyên tắc, phương pháp quy định tại Nghị định này và không thấp hơn đơn giá dịch vụ sử dụng băng tần do Thủ tướng Chính phủ quy định”.

          III. Bổ sung một Điều về: “Nguyên tắc định giá dịch vụ sử dụng băng tần” trước Điều 5: Phương pháp định giá dịch vụ sử dụng băng tần.

          Sở dĩ như vậy là vì:

          Nguyên tắc sẽ chỉ đạo phương pháp; có nguyên tắc thống nhất nó sẽ quy định áp dụng các phương pháp nào là phù hợp và đồng thời nguyên tắc còn phải tạo ra “độ mở” cho các phương pháp khác nhau khi có những chuẩn mực đủ điều kiện áp dụng (ví dụ phương pháp thu nhập được sử đổi, bổ sung hướng dẫn chi tiết định lượng nhiều hơn định tính và những giả định có tính pháp lý, với suy nghĩ như vậy, tôi đề nghị có 2 nguyên tắc và 2 nguyên tắc này tạo điều kiện áp dụng lâu dài một số phương pháp khi có điều kiện, hoặc áp dụng một số phương pháp để kiểm tra chéo kết quả định giá:

          1) Phù hợp với giá thị trường trong nước; Có mối tương quan hợp lý với giá thị trường thế giới trên cơ sở so sánh, điều chỉnh các yếu tố so sánh tác động đến giá thị trường của khối băng tần cùng loại hoặc tương tự tại thời điểm định giá.

          2) Phù hợp với quan hệ Cung – Cầu, giá trị sử dụng, sức mua của đồng tiền và thu nhập mang lại trong sử dụng của khối băng tần tại thời điểm định giá.

          IV. Phương pháp định giá:

          1. Cách thức hướng dẫn về phương pháp định giá:

          Có 2 phương án đặt ra để Ban Soạn thảo cân nhắc, lựa chọn:

·Phương án 1: Để đáp ứng yêu cầu có hướng dẫn phương pháp định giá chi tiết phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của ngành; đồng thời bảo đảm sự thuận lợi, nhanh chóng trong việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung các phương pháp định giá phù hợp với từng thời kỳ; bảo đảm “tuổi thọ” mang tính dài hạn, “độ mở” của Nghị định và cũng để “Dự thảo Nghị định dễ được thông qua nhanh nhất… thì Dự thảo chỉ ghi như sau:

          “1. Áp dụng phương pháp so sánh giá bán (hoặc so sánh thị trường) và các phương pháp phù hợp khác theo quy định của pháp luật về giá.

          2. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cụ thể các phương pháp định giá tần số vô tuyến điện”.

·Phương án 2:

          - Chính phủ quy định chi tiết luôn phương pháp so sánh như Dự thảo để khi Nghị định ra đời có thể áp dụng ngay mà không chờ hướng dẫn.

          Tuy nhiên: hạn chế của phương án này là không tận dụng được các ưu điểm của phương án 1.

          - Ở phương án này, Chính phủ hướng dẫn cụ thể phương pháp so sánh nhưng vẫn cần có “độ mở” về phương pháp; tức là có phương pháp định giá khác Chính phủ không hướng dẫn mà giao cho Bộ hướng dẫn. Như vậy, cần có một dòng quy định: “Các phương pháp định giá phù hợp khác do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cụ thể.

          [Ở đây tôi nhấn mạnh thêm phương pháp khác cần được lưu ý theo luận giải trên]

          2. Về công thức định giá của Dự thảo

          Theo tôi, công thức của Dự thảo:

 

          (Cần giải thích thêm n là gì, hệ số 0,7 là gì)

          Công thức trên của Dự thảo đã bao hàm được nhiều chỉ tiêu, biến số tác động đến giá có thể so sánh được, tuy nhiên nó còn hàm chứa những bất cập cần được xem xét thêm; sở dĩ như vậy là vì:

          - Các biến số trên là các biến số thị trường, về danh định thì nó mang tính cố định, nhưng “nội hàm” của nó lại mang tính biến động…

          - “Nội hàm” của các biến số đó có thể khác nhau do các tổ chức quốc tế công bố khác nhau sẽ dẫn đến các tổ chức thẩm định giá khác nhau sử dụng tư liệu của các tổ chức khác nhau để tính toán sẽ do kết quả khác nhau.

          Do đó, tôi đề nghị:

          1. Chúng ta định giá là định giá theo thị trường, vì thế công thức trên phải là công thức mở về mặt chỉ tiêu biến số (không đóng khung chỉ có các biến số như công thức) có nghĩa là ngoài những biến số so sánh cố định như công thức thì cần được bổ sung các biến số so sánh khác tác động đến giá để tính toán, điều chỉnh đáp ứng trường hợp các biến số cố định trên bị các yếu tố khách quan bất khả kháng của thị trường tác động (thiên tai, dịch bệnh…) gây ra những tác động đột biến hoặc không đủ độ tin cậy, không sử dụng được hoặc nếu sử dụng sẽ làm sai lệch kết quả thẩm định giá.

          Những thông số bổ sung có 2 cách lựa chọn để ghi bổ sung vào công thức:

          - Cách thứ nhất là Ban Soạn thảo lựa chọn bổ sung thêm vào công thức.

          - Cách thứ hai: Ghi vào công thức quy định: ngoài những thông số trên, các tổ chức thẩm định giá có thể lựa chọn thêm các yếu tố so sánh khác phù hợp với chứng cứ khách quan của thị trường trong từng thời kỳ.

          Để thuận lợi trong tính toán: vừa rộng mở, độ sát thực cao hơn công thức của Dự thảo, tôi lựa chọn cách thứ hai.

          2. Sử dụng biến số CPI trong công thức

          Tôi đồng ý sử dụng CPI truyền thông trong tính toán, nhưng không tán thành việc sử dụng CPI chung (nếu không có CPI truyền thông). Sở dĩ như vậy là vì CPI chung của các nước được tính từ rổ hàng hóa tính giá là không đồng nhất (đây là chỉ số đo lường lạm phát theo giá), nên nếu sử dụng CPI chung để so sánh sẽ bị sai lệch;

          Ví dụ: theo tài liệu tôi có được thì Mỹ không đưa lương thực, năng lượng vào rổ hàng hóa tính CPI.

          Nhật không đưa thực phẩm, năng lượng vào rổ hàng hóa tính CPI.

          Úc không đưa rau quả, năng lượng vào rổ hàng hóa tính CPI.

          NewDiLan không đưa năng lượng, nhiên liệu, năng lượng vào rổ hàng hóa tính CPI

          Trong khi Việt Nam không loại trừ các hàng hóa trên.

          Chỉ số chung nhất mà các nước công bố tương đối giống nhau là lạm phát cơ bản, tức là lạm phát đã loại trừ những biến động nhất thời, có tính thời vụ của thực phẩm và năng lượng (lạm phát cơ bản là sự thay đổi mức giá mang tính lâu dài của hàng hóa, dịch vụ nhưng không bao gồm những thay đổi từ các ngành thực phẩm và năng lượng do giá của chúng thường xuyên biến động).

          Do vậy, theo tôi, nên sử dụng CPI truyền thông là chính (nếu có); trong trường hợp không có CPI truyền thông thì sử dụng chỉ tiêu lạm phát cơ bản để tính toán.

          3) Về hệ số: 0,7

          Đây là một hệ số rất dễ trong tính toán và rất an toàn cho người làm giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây lại là một hệ số phi thị trường; nếu quy định cứng nhắc “đánh tụt xuống giá đã quy đổi từ giá thị trường thế giới xuống 0,7” dễ dẫn đến mất mát rất lớn tiền của chủ sở hữu tài sản nếu giá trị của khối băng tần lớn (kể cả việc hệ số này dùng để tính giá phục vụ đấu giá cũng bất ổn. Đây là Nghị định quy định cách tính giá được công khai khi ban hành, những người tham gia đấu giá là những người hiểu biết về vấn đề này nên họ tính toán được – dù không chính xác như cách tính của Hội đồng đấu giá – và như vậy việc trả giá rất có khả năng sẽ bị sức kéo kéo xoay quanh 0,7 có sẵn…).

          Hệ số 0,7 là hệ số phi thị trường ở chỗ: khi chúng ta áp dụng phương pháp so sánh để tính giá là chúng ta áp dụng phương pháp so sánh để tính giá là chúng ta đã tính theo thị trường (Từ thị trường quốc tế chúng ta đã quy đổi về Việt Nam theo thị trường). Tất nhiên khi đưa tài sản này lên thị trường thì điều kiện của thị trường Việt Nam có thể khác các nhân tố tác động của thị trường đến giá khác các nước; nhưng dù có sai lệch gì nữa thì Việt Nam không thể bằng có 0,7.

          Hệ số này theo tôi cần cân nhắc và xử lý “mềm” như sau:

·     Thứ nhất: Nếu Ban Soạn thảo vẫn giữ quan điểm 0,7 thì tôi đề nghị: 0,7 là hệ số “tối thiểu” còn hệ số tối đa đưa vào công thức tính: quy định để cho các tổ chức thẩm định giá căn cứ vào thị trường để tính toán cụ thể thành mức giá đấu giá và không được thấp hơn hệ số tối thiểu.

·     Thứ hai: là không quy định hệ số cứng nhắc như công thức mà giao cho các tổ chức thẩm định giá tính toán theo chứng lý thị trường.

          Tôi lựa chọn cách 1, nếu trong bản giải trình Ban Soạn thảo giải trình rõ: những nước nào quy định 0,7 vì sao họ lại quy định 0,7; từ cái “vì sao” đó so với Việt Nam có tính tương đồng thì mới nên áp dụng còn không thì phải lựa chọn cách thứ 2.

          Trên đây là một số góp ý của tôi, hy vọng nó có ích lợi nhất định để góp phần vào việc hoàn thiện Dự thảo.

          Trân trọng.

 

 

Nguyễn Tiến Thỏa

Chủ tịch

Hội Thẩm định giá Việt Nam

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính

 

Viết bình luận của bạn:
hotline 024 36410056