Các con số của các phương án tính giá điện sinh hoạt được Bộ Công Thương đưa ra tại Dự thảo biểu giá bán lẻ điện sửa đổi dường như đang "phá vỡ" nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá điện bình quân hiện hành.
Đây là quan điểm được TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu ra với Thời báo Kinh Doanh khi bình luận về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt của Bộ Công Thương (Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện).
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo biểu giá bán lẻ điện sửa đổi của Chính phủ, trong đó có đưa ra nhiều phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, cũng như khẳng định đảm bảo quyền lợi cho người nghèo, người sử dụng điện. Ông đánh giá thế nào về những phương án trên?
Tôi khá bất ngờ về các con số của các phương án được đưa ra vì nó phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá điện bình quân hiện hành.
Giá điện sinh hoạt bình quân hiện hành là 2.018 đồng/kWh (bằng 108% của giá bán lẻ điện bình quân của 4 biểu giá là 1.864,44 đồng/kWh), nhưng 3 biểu giá điện của Dự thảo lần lượt: Phương án 1: 2.058 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ bình quân 10,4%.
Phương án 2A: 2.186,54 đồng/kWh cao hơn giá bán lẻ bình quân 17,27%.
Phương án 2B: 2.078 đồng/kWh, cao hơn 11,46%.
Phải chăng đây là chủ trương tăng giá. Vì vậy, quan điểm cá nhân của tôi là không đồng tình với các phương án tính giá điện trên của Bộ Công Thương.
Liên quan tới phương án điện một giá mà Bộ Công Thương vừa đưa ra, nhiều ý kiến băn khoăn với đề xuất cách tính điện một giá bằng 145% hoặc 155% giá bán lẻ điện bình quân. Theo ông, cách tính cũng như mức giá trên có hợp lý?
Đối với phương án một giá bằng 145% (2A) và 155% (2B) thì nói thẳng là quá cao, cao hơn nhiều giá bình quân hiện hành và giá bình quân của các phương án dự kiến tính từ biểu giá với tỷ trọng tiêu dùng điện (giá bình quân hiện hành: 2.018 đồng/kWh, giá bình quân của 3 phương án dự kiến lần lượt là 2.058 đồng/kWh; 2.186,54 đồng/kWh và 2.078,19 đồng/kWh; trong khi phương án một giá là 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh).
Do đó, Bộ Công Thương cần giải thích rõ ràng và minh bạch cách tính ra con số trên.
Theo ông, phương án biểu giá điện sinh hoạt nên được sửa như thế nào để hài hòa lợi ích giữa các bên? Và kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì thế nào?
Biểu giá điện sinh hoạt hợp lý là phải phản ánh được chi phí cung ứng điện, góp phần thực hiện chính sách xã hội, phục vụ số đông hộ tiêu dùng điện có mức giá hợp lý. Đồng thời tạo được áp lực thực hiện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Vì thế, theo tôi, trước mắt chúng ta nên áp dụng biểu giá điện bậc thang. Cải tiến nhưng không làm tăng giá bán lẻ bình quân, đảm bảo cho khoảng 98,2% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700 kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí có những bậc giá còn giảm.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới thì tuỳ từng điều kiện của mỗi nước mà áp dụng cách tính giá điện khác nhau: có những nước chỉ áp dụng giá bậc thang, có những nước chỉ áp dụng đồng giá...
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Thời Báo Kinh Doanh )