Đổi mới chương trình đào tạo Đại học chuyên ngành Thẩm định giá đáp ứng nhu cầu thực tiễn

05/05/2023
0

ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

CHUYÊN NGÀNH THẨM ĐỊNH GIÁ ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỰC TIỄN

 

Ths.Nguyễn Tiến Thỏa

Chủ tịch

Hội Thẩm định giá Việt Nam

 

Đại hội toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đánh dấu một thời khắc lịch sử ghi nhận quyết tâm đổi mới tư duy kinh tế của Đảng, thực hiện cuộc cải cách kinh tế chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã lỗi thời, không còn tạo động lực phát triển - sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Trong cuộc cải cách tổng thể về cơ chế kinh tế nói trên, Đảng ta xác định: cải cách cơ chế giá được coi là vị trí trung tâm, là khâu đột phá của quá trình đoạn tuyệt với cơ chế kinh tế cũ. Chính vì vậy, giá cả đã được chuyển từ cơ chế giá kế hoạch, áp đặt do Nhà nước quyết định đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, buộc toàn xã hội thực hiện sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Bằng những lộ trình và bước đi thích hợp, từ chỗ Nhà nước quyết định hầu hết giá các loại hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế, thực hiện chế độ bao cấp qua giá cho cả nền kinh tế trong hơn 3 thập kỷ (1954-1986); đến nay, Nhà nước đã giảm mạnh quyền định giá trực tiếp, chủ yếu chỉ còn quyết định giá hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh… thay vào đó là thực hiện việc quản lý, điều tiết giá chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô, phù hợp với đòi hỏi của kinh tế thị trường và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ việc bù lỗ, bù giá bao cấp bất hợp lý qua giá. Đồng thời thực hiện nguyên tắc nhất quán tôn trọng quyền tự chủ về giá của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng về giá giữa các doanh nghiệp, mở ra điều kiện để doanh nghiệp thực hiện được quyền tự chủ về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng “lời ăn, lỗ chịu” theo hệ thống tín hiệu khách quan về giá trên thị trường. Cơ chế đó đã góp phần đắc lực vào việc giải phóng, khai thác và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

      Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, cơ chế giá thị trường – tự trong lòng cơ chế ấy – luôn tiềm ẩn những yếu tố tự phát tác động làm cho giá thị trường không phải bao giờ và lúc nào cũng vận động đúng với giá trị thực của thị trường như: độc quyền, đầu cơ, móc ngoặc, gian lận thương mại… Vì thế, khi quyết định các phương án đầu tư, mua bán, thực hiện các nghĩa vụ tài chính… Cả hai phía: người mua và người bán đều muốn có một tổ chức tài chính trung gian giúp xác định giá thị trường thực của tài sản để thực hiện quá trình giao dịch không bị rủi ro, thiệt hại và cũng là để giải quyết mâu thuẫn về lợi ích giữa người mua và người bán.

Xuất phát từ nhu cầu ban đầu khi mới chuyển sang cơ chế giá thị trường như vậy của xã hội; cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu đó thực chất là nhu cầu tư vấn về giá đã xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh tế ở nước ta như: Xác định giá trị tài sản mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, xác định giá trị tài sản để góp vốn đầu tư, thế chấp, tính thuế, mua sắm, chuyển nhượng; cổ phần hóa, sát nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp… nhiều đơn vị nghiệp vụ thuộc Ban Vật giá Chính phủ đã phải tiếp nhận, xử lý các nhu cầu trên của xã hội. Để tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giá và thực hiện các dịch vụ công về giá, tháng 2/1998, Trưởng Ban vật giá Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm tư vấn dịch vụ kiểm định giá; tháng 9/1999 ký quyết định thành lập Trung tâm thông tin và kiểm định giá Miền Nam. Đây là hai Trung tâm làm nhiệm vụ thẩm định giá đầu tiên của cả nước. Cũng từ đó nhiều Sở Tài chính – vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thành lập các Trung tâm thẩm định giá. Sự ra đời của nghề thẩm định giá Việt Nam nhanh chóng vươn ra hội nhập với nghề thẩm định giá trên Thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế về thẩm định giá thừa nhận, cụ thể: Ngày 8/6/1997 Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Ban Vật giá Chính phủ Việt Nam gia nhập và là thành viên chính thức của Hiệp hội thẩm định giá ASEAN, ngày 1/6/1998 tham gia Ủy ban Tiêu chuẩn thẩm định giá với tư cách là hội viên thông tấn và đến tháng 11/2009 đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế.

Năm 2002, Pháp lệnh giá được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã chính thức cho phép thành lập các doanh nghiệp thẩm định giá bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Những năm đầu và sau này việc thẩm định giá các tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu càng chứng minh vai trò quan trọng của nghề thẩm định giá bởi nó có chức năng đánh giá đúng giá trị thị trường của tài sản góp phần phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý; Tư vấn về giá trị, giá cả tài sản làm cơ sở để chủ tài sản có căn cứ phê duyệt chi từ ngân sách Nhà nước, tính thuế, xác định giá trị bảo đảm vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm, cho thuê, chuyển nhượng, mua bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp và sử dụng vào các mục đích khác đã được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.

Tính đến thời điểm Pháp lệnh giá ra đời, cả nước có 2 Trung tâm thẩm định giá trực thuộc Ban Vật giá Chính phủ và 34 Trung tâm thẩm định giá trực thuộc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo quy định của Pháp lệnh giá và Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 3/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá. Đáng chú ý là từ sau khi Luật giá ra đời đến nay thì nghề thẩm định giá phát triển mạnh, được đánh giá là “phát triển nóng” thể hiện qua tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và số lượng thẩm định viên được Bộ Tài chính cấp thẻ TĐV về giá; cụ thể:

Biểu: Số lượng doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tăng trưởng qua các năm:

Năm

Số lượng doanh nghiệp TĐG (DN)

Tỷ lệ tăng năm sau so năm trước (%)

Số lượng thẩm định viên có Thẻ (người)

Tỷ lệ tăng năm sau so năm trước (%)

2013

109

 

 

 

2014

142

30,28

1037

 

2015

168

18,31

1231

18,71

2016

226

34,52

1452

17,95

2017

257

13,72

1659

14,26

2019

321

24,90

2018

21,64

2020

359

11,84

2352

16,55

Ghi chú: Năm 2019 so với năm 2017

Nguồn: Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính và Hội Thẩm định giá VN tập hợp

Chính sự phát triển nóng của nghề như nêu trên bên cạnh nhiều doanh nghiệp, thẩm định viên vẫn hoạt động làm ăn tốt, có uy tín trên thị trường thì đã xuất hiện những bất cập, những thiếu sót, những yếu kém của một số doanh nghiệp thẩm định giá và một số những người được đào tạo hành nghề thẩm định giá; bao trùm của những thiếu sót, thậm chí vi phạm pháp luật chính là vi phạm đạo đức hành nghề thẩm định giá mà các cơ quan pháp luật đã kết luận qua một số vụ án thông qua các hành vi như: Cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá; Không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về thẩm định giá: Thẩm định giá cho mục đích bán tài sản Nhà nước với giá thấp, mua sắm tài sản Nhà nước với giá cao hơn giá thị trường tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tha hóa tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá với mức giá theo yêu cầu, “mong muốn” của khách hàng, thậm chí gian dối cấu kết với khách hàng làm sai lệch hồ sơ để “thổi giá” cao hơn nhiều giá trị thực, tiếp tay cho mưu đồ của khách hàng thẩm định giá “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lợi dụng việc thẩm định giá để vụ lợi bất chính ngoài giá dịch vụ thẩm định giá. Đáng chú ý là năng lực chuyên môn của các thẩm định viên về giá tại hầu hết các vụ việc thẩm định giá bị cơ quan thanh tra, kiểm tra, công an phát hiện có sai phạm đều được kết luận yếu kém do áp dụng chưa đúng, thậm chí sai đối với các quy định, hướng dẫn hiện hành nhất là các quy trình thẩm định giá, các Tiêu chuẩn thẩm định giá quy định về các cách tiếp cận và lựa chọn các phương pháp thẩm định giá...

Những thực trạng này cần được đánh giá kỹ hơn nguyên nhân của những thiếu sót, sai phạm đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực hiện hành để giúp công tác đào tạo có hiệu quả.

Từ thực tiễn của việc phát triển nghề TĐG từ khi nước ta chuyển từ cơ chế giá bao cấp sang cơ chế giá thị trường như nêu trên, bằng kết quả khảo sát, đúc kết hoạt động thẩm định giá nhiều năm, đồng thời có trao đổi với các nơi đào tạo trình độ đại học về thẩm định giá của Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Tài chính Quản trị Kinh doanh, Học viện Ngân hàng và một số đơn vị khác… tôi nhận thấy: nhu cầu về thẩm định giá tài sản của xã hội ngày càng nhiều, phát triển đa dạng ở các loại tài sản và với phạm vi rộng trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế; từ nhu cầu đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao (bậc Đại học…) để đáp ứng nhu cầu TĐG tài sản là khá lớn. Tuy nhiên thực tế của công tác này rất khác nhau:

Thời kỳ đầu khi một số Trường Đại học mở chuyên ngành TĐG, việc thu hút sinh viên vào trường là có thể chấp nhận được: theo Đề án “Nâng cao năng lực và phát triển nghề TĐG giai đoạn 2010-2020” của Bộ Tài chính:

§   Hai trường: Đại học Tài chính marketing và Cao đẳng Quản trị kinh doanh thuộc Bộ Tài chính, bắt đầu chiêu sinh từ năm 1998-1999, hàng năm tuyển được khoảng 40-50 sinh viên, từ năm 2004-2009 mỗi khóa tuyển được khoảng gần 100 sinh viên…

§   Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 2007 trở đi mỗi năm thu hút được khoảng 50 sinh viên.

§   Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, từ năm 2005 – 2009, bình quân mỗi khóa thu hút được khoảng 50-70 sinh viên…

Tuy nhiên đến nay, nhìn chung các Trường đều cho rằng việc tuyển sinh của chuyên ngành TĐG đang gặp những khó khăn nhất định, có Trường một số năm qua chiêu sinh nhưng không có sinh viên đăng ký thi tuyển. Sở dĩ như vậy là do các nguyên nhân sau:

- Thẩm định giá là một ngành nghề mới so với các ngành nghề khác, xã hội chưa biết đến nhiều và chưa hiểu nhiều về nó dẫn đến tâm lý e ngại về tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Nhận thức của xã hội cần hay không cần phải có người làm công tác giá trong cơ chế thị trường vẫn còn nặng tư duy: Đã là thị trường thì thuận mua – vừa bán, đã có giá thị trường rồi thì đâu cần cán bộ làm giá; đặc biệt là khi chúng ta xây dựng được cơ chế thị trường hoàn chỉnh, các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ hoạt động công khai, minh bạch với các tín hiệu thị trường trong đó có tín hiệu về giá khách quan thì không cần phải thẩm định giá.

Quan điểm này đưa ra dẫn chứng là khi chúng ta chuyển từ cơ chế giá bao cấp sang cơ chế giá thị trường, chúng ta đã giải tán khoa Vật giá ở một số Trường Đại học, điều đó càng chứng tỏ không nhất thiết phải đào tạo chuyên ngành TĐG.

- Nhiều người cho rằng Luật pháp cho phép mở rộng các đối tượng tốt nghiệp Đại học có thể làm giá được, nên không nhất thiết học chuyên ngành về giá mới làm thẩm định giá được bởi vì Luật Giá và văn bản hướng dẫn: các Ngành kinh tế, Kinh tế - kỹ thuật, Kỹ thuật, Luật liên quan đến TĐG chỉ cần học lớp bồi dưỡng ngắn hạn và thi lấy Thẻ thẩm định viên về giá là đăng ký hành nghề được. Hoàn thành các công việc đó là có thêm ngành nghề xin việc làm dễ hơn “đơn ngành về giá”.

- Thẩm định giá là một nghề có nhiều thách thức, tính rủi ro cao.

- Chương trình, nội dung đào tạo chưa có chuẩn thống nhất chung giữa các trường trong cả nước; mặt khác, cách đào tạo những năm qua chủ yếu là cách tiếp cận hệ thống, tính ứng dụng thực tiễn còn hạn chế, khả năng phục vụ, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội chưa cao.

Với những lý do trên, mặc dù có những lý do đúng, những cũng có những lý do chưa đúng, nhất là lý do cơ chế giá thị trường không cần cán bộ làm giá; vì thế, tôi cho rằng trong những năm trước mắt việc thu hút sinh viên theo học chuyên ngành TĐG bậc Đại học vẫn gặp những khó khăn nhất định; nhưng về lâu dài sẽ thuận lợi hơn bởi nhu cầu còn lớn, thị trường TĐG đang ngày càng được mở rộng có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các hành vi sản xuất, tiêu dùng, tích lũy của đời sống kinh tế - xã hội và với vị trí của một ngành rất cần thiết cho việc tính toán hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng tế bào nền kinh tế nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt quyết liệt hơn. Vì vậy tôi đề nghị vẫn cần thiết phải có đào tạo chuyên ngành TĐG nhưng với điều kiện cơ quan quản lý Nhà nước, các Trường, Hội TĐGVN cần chung tay cùng với xã hội làm tốt những công việc cơ bản sau:

- Phải tiến hành thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền hướng nghiệp bằng những hình thức thích hợp thông qua nhiều kênh có sức lan tỏa cao, phạm vi rộng tạo ra sự đồng thuận trong xã hội về sự cần thiết của ngành nghề; tầm quan trọng về vị trí, vai trò và nhu cầu của nó trong nền KTQD; cung cấp rộng rãi các thông tin, hình ảnh của chuyên ngành của Trường, cơ hội việc làm của ngành học…

- Chất lượng dạy và học phải được tiếp tục nâng cao thông qua đổi mới nội dung đào tạo, đặc biệt chú ý đến các kỹ năng thẩm định giá đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Giảng dạy kiến thức theo hướng ứng dụng cần đa dạng, gắn với thực tiễn, với nhu cầu của xã hội bằng cách xây dựng liên hệ liên kết chặt chẽ giữa cơ quan, doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để tổ chức các buổi  báo cáo chuyên đề thực tế, chọn lọc, hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho sinh viên ra trường… Cách làm đó vừa hỗ trợ công tác tuyên truyền về ngành nghề, vừa giúp sinh viên dễ tìm được việc làm khi ra trường; đồng thời gắn kết được việc đào tạo với nhu cầu xã hội để bảo đảm quá trình đào tạo phát triển bền vững.

- Xây dựng đội ngũ giảng viên đủ năng lực thực hiện nội dung đào tạo theo hướng ứng dụng.

- Xây dựng và tổ chức “dịch vụ tuyển sinh” toàn diện, chu đáo; công khai chính sách học bổng và có những chính sách ưu đãi cần thiết về chi phí ăn, ở, bảo hiểm, học phí cho sinh viên…

Viết bình luận của bạn:
hotline 024 36410056