Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước của Ngành Cấp nước – những thành công và thách thức

27/04/2023
0

CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC

CỦA NGÀNH CẤP NƯỚC – NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ THÁCH THỨC

(Bài phát biểu của Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - Nguyễn Tiến Thỏa, tại Hội nghị thường niên Hội Cấp thoát nước Việt Nam ngày 1/3/2019 tại Bình Dương)

 

PHẦN THỨ NHẤT

KHÁI QUÁT VỀ THỰC TRẠNG KẾT QUẢ CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC NÓI CHUNG.

        1. Tình hình thực hiện cổ phần hóa:

        Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Kế hoạch thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPHDNNN) giai đoạn 2017-2020 của cả nước là 127 doanh nghiệp);

        Trong đó: Năm 2017: 44 doanh nghiệp

        - Năm 2018: 64 DN

        - Năm 2019: 18 DN

        - Năm 2020: 1 DN

        Thực tế thực hiện: Năm 2017 đã CPH được 69 doanh nghiệp, bao gồm cả 17 doanh nghiệp thuộc danh sách CPH năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017. Tổng giá trị của 69 doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng (chiếm bình quân: 43,76%). Năm 2018 có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó CPH: 13 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp. Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.934 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 15.543 tỷ đồng (chiếm bình quân là 52%). Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.477 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ: 11.204 tỷ đồng (chiếm 60%), bán cho nhà đầu tư chiến lược: 2.293 tỷ đồng (chiếm 12,4%), đấu giá công khai: 4.843 tỷ đồng (chiếm 26,21%), số còn lại bán cho người lao động: 125 tỷ đồng (chiếm 0,06%) và tổ chức công đoàn 5,8 tỷ đồng (chiếm 0,003%).

        2. Tình hình thực hiện thoái vốn Nhà nước:

        Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; trong đó năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018: 181 doanh nghiệp, năm 2019: 62 doanh nghiệp, năm 2020: 28 doanh nghiệp.

        Thực tế năm 2017 thoái được 9.046 tỷ đồng, trong đó thoái vốn Nhà nước tại 13 đơn vị theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị thoái là 1.417 tỷ đồng. Năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 7.885 tỷ đồng; trong đó thoái vốn tại 18 đơn vị theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị thoái là 1.308 tỷ đồng (có 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017).

        3. Đánh giá khái quát về kết quả thực hiện CPH và thoái vốn Nhà nước.

        Theo đánh giá của Bộ Tài chính: Sau khi thực hiện CPH, bên cạnh số ít doanh nghiệp còn gặp khó khăn, sản xuất – kinh doanh chưa hiệu quả, thậm chí thua lỗ thì phần lớn các doanh nghiệp sau khi CPH một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt hơn trên nhiều mặt về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, quyền lợi cho người lao động…

        Giai đoạn trước năm 2015: Tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh của 300 doanh nghiệp sau CPH năm 2015 cho thấy so với trước khi CPH bình quân như sau:

        - Lợi nhuận trước thuế tăng: 49%

        - Nộp ngân sách Nhà nước tăng: 27%

        - Vốn điều lệ tăng: 72%

        - Giá trị tổng tài sản tăng: 39%

        - Doanh thu tăng: 29%

        - Thu nhập của người lao động tăng: 33%

        Năm 2017, theo Báo cáo của 294 doanh nghiệp có cổ phần vốn góp của Nhà nước so với năm 2016 (các số liệu so sánh xét trong cùng số lượng 294 doanh nghiệp cổ phần hiện có năm 2016) thì:

        - Giá trị tổng tài sản của các doanh nghiệp CPH: 543.858 tỷ đồng, tăng 6%

        - Tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp cổ phần: 337.627 tỷ đồng

        - Vốn chủ sở hữu: 210.035 tỷ đồng, tăng 14%

        - Tổng doanh thu: 482.545 tỷ đồng, tăng 21%

        - Tổng lợi nhuận trước thuế: 36.633 tỷ đồng, tăng 11%

        Như vậy, hiệu quả của công tác CPH là khá rõ. Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn còn có những hạn chế nhất định so với nguồn lực hiện có. Công tác CPH và thoái vốn Nhà nước diễn ra còn chậm, chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ: theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017), nhưng thực tế 11 tháng năm 2018 mới chỉ có 11 doanh nghiệp được CPH.

        Nguyên nhân của sự chậm trễ trên cũng chính là những thách thức đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan là:

        + Nhiều DNCPH và thoái vốn Nhà nước trong giai đoạn này là những doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xác định giá trị doanh nghiệp, kiểm toán nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

        + Kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại, CHP, thoái vốn, gây bức xúc trong dư luận. Nhận thức về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN của một số lãnh đạo đợn còn chưa quyết liệt; Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa rõ trong vấn đề đổi mới khi CHP, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CHP, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến bộ đổi mới.

PHẦN THỨ HAI

KHÁI QUÁT VỀ THỰC TRẠNG KẾT QUẢ CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC TẠI NGÀNH NƯỚC VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ.

        1. Tình hình CPH, thoái vốn Nhà nước:

        Tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 110 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước sạch cho các đô thị với tổng công suất thiết kế của các nhà máy đạt trên 8,1 triệu m3/ngày đêm. Các Công ty cấp nước đã bắt đầu tiến hành CPH từ năm 2015, đến năm 2017 còn khoảng 14 Công ty chưa tiến hành CPH. Thực hiện Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 về việc chuyển các DNNN hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch thành Công ty Cổ phần Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần tại các doanh nghiệp thì hiện nay: sau khi CPH thì mức độ nắm giữ cổ phần của Nhà nước ở các Công ty CF nước sạch rất khác nhau: có 6 Công ty Nhà nước đã thoái vốn 100%, có nhóm Công ty Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50%, có nhóm Công ty Nhà nước nắm giữ 51% trở lên, thậm chí có những Công ty Nhà nước vẫn nắm giữ trên 90% cổ phần.

        Theo kế hoạch đề ra tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 thì tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái (so với vốn điều lệ) trong năm của ngành cấp thoát nước là khá cao:

        Năm 2017: Thoái vốn tại 21 Công ty, có những Công ty tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn rất thấp; ví dụ: Cấp nước Sơn Tây, Nhà nước thoái 95,89%, cấp nước Quảng Ninh: 95,16%,...

        Năm 2018: Thoái vốn tại 30 Công ty, có những công ty tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn rất thấp, ví dụ: Cấp thoát nước Bình Phước: 98,98%, Cấp nước Lào Cai: 97,44%, Cấp nước Quỳnh Lưu: 87,52%, Cấp nước Diễn Châu: 92,17%, Cấp nước Thái Hòa: 98,21%, Cấp thoát nước Ninh Bình: 93,02%.

        Năm 2019: Thoái vốn tại 15 Công ty; Năm 2020 thoái vốn tại 11 Công ty…

        2. Đánh giá khái quát về kết quả CPH và thoái vốn Nhà nước.

        Theo Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát tháng 10/2017 của Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại 48 DN cấp nước đã CPH đại diện cho các Công ty cấp nước đã CPH ở cả 3 miền: Bắc - Trung – Nam cho thấy CPH các Công ty cấp nước đã mang lại những thành công, tạo nên nhiều lợi ích hơn cho các chủ thể kinh tế tham gia thị trường bao gồm: Người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước và khách hàng sử dụng nước. Nhưng thành công của riêng CPH ngành nước cũng phù hợp với thành công của việc CPH các DNNN nói chung, cụ thể:

        Biểu số 1: Kết quả hoạt động sau CPH so với trước khi CPH

Stt

Chỉ tiêu (Bình quân một doanh nghiệp)

ĐVT

Tỷ lệ so với trước khi CPH tăng (+), giảm (-)

2015

2016

2017

1

Sản lượng nước thương phẩm

%

5,93

17,66

30,00

2

Số đấu nối

%

5,92

12,51

18,32

3

Độ bao phủ cấp nước: điểm %

 

6,17

9,82

11,35

4

Tỷ lệ thất thoát: điểm %

 

-1,27

-1,73

-2,19

5

Tỷ lệ tiêu thụ nước sạch bình quân đầu người

%

7,10

7,43

6,44

6

Số giờ cấp nước trong ngày

Số giờ/24h

23,60

23,60

23,60

7

Số nhân viên tính trên 1000 đấu nối

%

-15,79

-26,24

-31,18

8

Doanh thu

%

17,94

29,72

44,08

9

Lợi nhuận trước thuế

%

26,27

53,07

42,87

10

Nộp ngân sách Nhà nước

%

33,37

39,60

24,51

11

Thu nhập của người lao động

%

12,83

20,02

25,11

 

        Như vậy, kết quả của việc CPH và kết quả sản xuất kinh doanh sau CPH của các DN cấp nước là rất tích cực. Tuy nhiên, đến nay công tác CPH và thoái vốn của các DN cấp nước cũng đang có tình trạng giống như các DNNN ở các lĩnh vực khác là: diễn ra chậm, đặc biệt là công tác thoái vốn Nhà nước không đạt mục tiêu theo lộ trình đề ra hàng năm. Có tình trạng đó, ngoài những nguyên nhân thách thức chung như Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ nêu, kết quả khảo sát các doanh nghiệp cấp nước nêu trên đã cho thấy việc CPH, thoái vốn Nhà nước của ngành cấp nước còn có những bất cập, thách thức riêng như sau:

        2.1 Những bất cập, thách thức cơ bản khi tiến hành CPH

        2.1.1 Việc lựa chọn cổ đông chiến lược gặp nhiều khó khăn:

        Số doanh nghiệp có cổ đông chiến lược chiếm 42% doanh nghiệp được khảo sát (trong đó cổ đông chiến lược có liên quan đến ngành cấp nước là 32%, không liên quan đến ngành cấp nước là 10%). Số doanh nghiệp không chọn được cổ đông chiến lược chiếm 58% doanh nghiệp được khảo sát. Nguyên nhân do:

        - Nhà đầu tư lo ngại sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước dẫn đến cung cách quản lý “bình mới rượu cũ” khi tỷ lệ cổ phần do Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức cao (bình quân 70% ở các doanh nghiệp được khảo sát) cộng với việc chức năng chủ sở hữu Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước chưa phân định rành mạch trong thực tế.

        - Tính hấp dẫn về tài chính mang lại khi đầu tư vốn không cao do giá tiêu thụ nước sạch ở nhiều địa phương bị khống chế, không điều chỉnh kịp thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, cộng với sự lo ngại trên đã làm giảm sức thu hút các nhà đầu tư mua cổ phần.

        2.1.2 Tỷ lệ bán cổ phần cho cán bộ công nhân viên theo quy định hiện hành là thấp (theo đánh giá của 81% doanh nghiệp được khảo sát).

        2.1.3 Lãnh đạo các doanh nghiệp khá quan ngại đến tính rủi ro khi phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị thoái vốn Nhà nước trong điều kiện:

        - Nhiều nội dung hướng dẫn định giá doanh nghiệp chỉ mang tính định tính, thiếu định lượng, thiếu tiêu chí thị trường thống nhất về lượng; do vậy, mỗi cách tiếp cận khác nhau để thu thập thông tin thị trường sẽ cho các kết quả khác nhau dẫn đến những kết luận đúng sai khác nhau giữa các đơn vị tư vấn về giá và giữa các cơ quan có thẩm quyền; đặc biệt là các tiêu chí về lượng để tính toán giá trị tương lai quy về giá trị hiện tại theo các phương pháp xác định giá thuộc cách tiếp cận từ thu nhập; hoặc các tiêu chí để chứng minh sự tồn tại và tính toán giá trị các loại tài sản vô hình không có trên Báo cáo Tài chính như: Các yếu tố lịch sử, bề dầy truyền thống, nhất là các yếu tố vô hình về văn hóa doanh nghiệp như: Các quy tắc vô hình, thái độ, niềm tin, các chuẩn mực, quan niệm, hành vi, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp…

        - Đặc điểm đặc thù của ngành nước là có khoảng 2/3 giá trị tài sản nằm chìm trong lòng đất được hình thành từ mấy thập kỷ trước (thậm chí có nơi hàng trăm năm) ở những thời kỳ khác nhau và bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, hồ sơ tài liệu thiếu sót, thất lạc… do vậy việc chứng minh nguồn gốc tài sản, giá trị còn lại của tài sản gặp khá nhiều khó khăn… Vì vậy, cũng dẫn đến việc tính toán có những sai sót dẫn đến giá trị doanh nghiệp có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực.

        2.1.4 Thiếu cơ chế quy định trách nhiệm, các biện pháp chế tài đối với người đứng đầu doanh nghiệp, đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc tuân thủ pháp luật về CPH để xảy ra tình trạng kéo dài làm chậm quá trình CPH.

        2.2 Những bất cập, thách thức sau CPH

        2.2.1. Những năm qua, Nhà nước có rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nỗ lực đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH. Đặc biệt là thiếu hướng dẫn cách thức quản trị doanh nghiệp sau CPH; thiếu cơ chế kiểm soát, cơ chế ràng buộc đối với những Công ty mà Nhà nước đã thoái vốn 100% những doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối nên đã tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung, đe dọa chủ trương cấp nước an toàn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh nước sạch; đe dọa việc giữ gìn, tôn vinh thương hiệu của doanh nghiệp.

        2.2.2. Nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ Quốc tế; chậm sửa đổi, bổ sung các định mức – kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên liệu phù hợp với thực tế và đòi hỏi của cơ chế thị trường; thậm chí nhận thức chưa đúng, sai lệch về quản trị doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần; không ít doanh nghiệp đánh đồng cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp với cải thiện quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh như cải thiện về tài chính, nhân sự, tiền lương, tài sản…

        2.2.3. Có khá nhiều doanh nghiệp (chiếm 66% doanh nghiệp được khảo sát) sau CPH “né tránh” không thực hiện đúng tính công khai, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình, thực hiện các quy định về đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

        2.2.4. Hiệu quả của các doanh nghiệp sau CPH đã được cải thiện như trình bầy phần trên; tuy nhiên các hệ số về khả năng thanh toán chưa an toàn; tỷ suất, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn chưa chuyển biến mạnh.

 

          Biểu số 2: Các chỉ tiêu tài chính sau CPH so với trước khi CPH

        2.2.5. Lộ trình thoái vốn hàng năm theo kế hoạch đề ra ở mức cao đã gây ra những lúng túng nhất định cho các doanh nghiệp, tạo áp lực không nhỏ cho lãnh đạo các doanh nghiệp trong sắp xếp lại bộ máy, lao động, quản trị sản xuất kinh doanh…

        3. Kiến nghị:

        3.1 Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan:

        3.1.1. Hoàn thiện môi trường pháp lý về doanh nghiệp nói chung thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về ngành nghề đầu tư kinh doanh; về quản trị doanh nghiệp… bảo đảm tính đồng bộ thống nhất giữa các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

        Sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến DNNN đảm bảo để hoạt động của DNNN phù hợp với cơ chế thị trường.

        Phân định rõ ràng hơn chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước; thể chế hóa minh bạch hơn công tác giám sát, đánh giá DNNN bằng pháp luật.

        3.1.2. Xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến sản xuất cung ứng nước sạch vận hành theo cơ chế thị trường; Ban hành cơ chế ký kết hợp đồng cấp nước giữa chính quyền địa phương với các đơn vị cấp nước.

        3.1.3. Hướng dẫn phương pháp tính toán chi tiết cụ thể, công bố thống nhất các tiêu chí, các thông số thị trường để tính giá trị doanh nghiệp và phục vụ thoái vốn Nhà nước, đặc biệt là các tài sản vô hình như: giá trị văn hóa, lịch sử, bề dầy truyền thống…

        3.1.4. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp theo Bộ Quy tắc quản trị Công ty của OECD.

        3.1.5. Đôn đốc và chế tài cụ thể đối với các DN đã CPH nhưng “né tránh”, không thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết ngay nhằm bảo đảm minh bạch thông tin, giúp cộng đồng các nhà đầu tư, Nhà nước và xã hội giám sát, ngăn chặn việc thao túng, mua bán cổ phiếu lòng vòng.

        3.1.6. Do là một ngành độc quyền tự nhiên, sản phẩm tối cần thiết cho cuộc sống của con người, đòi hỏi bảo đảm cấp nước an toàn, chất lượng vệ sinh là vô cùng quan trọng, vì vậy đề nghị Nhà nước vẫn giữ cổ phần ở lĩnh vực này khoảng 30-35%, không nên thoái vốn 100%. Bên cạnh đó cần tính toán tăng cổ phần cho người lao động cao hơn hiện nay ở mức hợp lý.

        3.1.7. Cần xem xét lại lộ trình thoái vốn mức độ thoái vốn hàng năm cho phù hợp với quá trình thích ứng của doanh nghiệp.

        3.1.8. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, công khai kết quả thực hiện lộ trình CPH, thoái vốn Nhà nước; xác định rõ tên người, tên cơ quan chịu trách nhiệm giúp xác định rõ những vướng mắc, đầu mối vướng mắc, trách nhiệm của người đứng đầu để áp dụng các biện pháp chế tài phù hợp.

        3.2. Đối với các doanh nghiệp:

        3.2.1 Khẩn trương đổi mới quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế (Bộ Quy tắc 6 chuẩn mực của OECD).

        3.2.2. Xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các hoạt động của doanh nghiệp làm cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp.

        3.2.3 Thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

        3.2.4. Thực hiện quy chế công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính trong mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Hà nội, tháng 2 năm 2019

 

Viết bình luận của bạn:
hotline 024 36410056